Một nghiên cứu mới của Phòng thí nghiệm sinh vật biển (MBL) và Viện nha khoa ADA Forsyth phát hiện một loại vi khuẩn sống trong miệng người phổ biến nhưng phi thường, có thể phân chia thành nhiều tế bào cùng một lúc.
Miệng người là hệ sinh thái đa dạng bậc nhất hành tinh với hơn 500 loại vi khuẩn khác nhau sinh sống, một trong số đó tạo nên mảng bám trên răng bị chúng ta chải sạch vào mỗi sáng cũng như mỗi tối. Tiến sĩ Gary Borisy - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết: “Ai có thể nghĩ ra trong miệng chúng ta lại tồn tại loại vi khuẩn có chiến lược sinh sản độc nhất như vậy chứ”.
Thông thường vi khuẩn chỉ phân chia thành 2 tế bào, nhưng corynebacterium matruchotii lại chia được thành 14 tế bào nhờ quá trình phân đôi nhiều lần. Dù chúng ta đánh răng thì mảng bám vẫn khôi phục không thiếu phần nào. Loại vi khuẩn này có thể phát triển nửa milimet mỗi ngày. Phát hiện làm sáng tỏ cách thức corynebacterium matruchotii sinh sôi, giành tài nguyên với các vi khuẩn khác và duy trì cấu trúc toàn vẹn trong môi trường mảng bám phức tạp.
Sử dụng kính hiển vi để quan sát, nhóm nghiên cứu ghi nhận corynebacterium matruchotii dạng sợi nhân lên gấp 14 lần tùy thuộc độ dài của tế bào gốc. Đặc biệt tế bào mới chỉ phát triển ở một đầu mút tế bào gốc và không có roi để di chuyển. Nhóm đặt giả thuyết cách phân chia độc đáo như vậy (giống mạng lưới sợi trong nấm) là cách để vi khuẩn khám phá môi trường xung quanh.
Nhà khoa học Jessica Mark Welch - đồng tác giả nghiên cứu - so sánh mạng lưới corynebacterium matruchotii với rạn san hô hay rừng rậm, tạo ra cấu trúc không gian cung cấp môi trường sống cho nhiều loài vi khuẩn khác. Corynebacterium matruchotii cũng tồn tại trên da lẫn trong mũi, nhưng lại không sở hữu khả năng phân đôi nhiều lần như lúc tồn tại trong miệng. Tiếp theo nhóm cần làm rõ chiến lược sinh sản như vậy tác động ra sao đến sức khỏe răng miệng lẫn cơ thể.