Bề ngoài mảnh khảnh, khiêm nhường của Tổng giám đốc (TGĐ) EVN Trần Đình Nhân dường như tương phản với ý chí và tâm huyết của ông khi muốn đưa tập đoàn này phát triển vững chắc trong một bối cảnh có rất, rất nhiều khó khăn. Báo Một Thế Giới có cuộc trao đổi với ông Nhân xoay quanh một số vấn đề của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dù rằng chưa nói được đến tận cùng.

Minh bạch mọi vấn đề thì sẽ không có sai sót

13/02/2020, 22:59

Bề ngoài mảnh khảnh, khiêm nhường của Tổng giám đốc (TGĐ) EVN Trần Đình Nhân dường như tương phản với ý chí và tâm huyết của ông khi muốn đưa tập đoàn này phát triển vững chắc trong một bối cảnh có rất, rất nhiều khó khăn. Báo Một Thế Giới có cuộc trao đổi với ông Nhân xoay quanh một số vấn đề của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, dù rằng chưa nói được đến tận cùng.

Tổng giám đốc (TGĐ) EVN Trần Đình Nhân

- Ông tâm niệm điều gì khi đảm nhiệm vị trí TGĐ?

Tôi đã 34 năm trong ngành điện, vì vậy với khoảng thời gian công tác còn lại, thực lòng tôi luôn nghĩ sẽ làm tất cả vì EVN và vì sự phát triển của đất nước.

- Với một cá nhân mục tiêu như vậy có lớn lao quá không, thưa ông?

Đó là tâm niệm của tôi, hơn nữa, mình còn làm vì danh dự nữa chứ.

- Đứng đầu ban điều hành của EVN trong bối cảnh sức ép về nhu cầu điện năng ngày một gia tăng, ông thấy vấn đề khó nhất cần tháo gỡ là gì?

Đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế là một vấn đề lớn. Chúng ta không thể nói sang năm thiếu điện và hy vọng xử lý được từ năm nay. Đây là điều không thể. Với ngành điện, vấn đề quy hoạch phải đặt tầm nhìn ít nhất là 10 năm. Tại sao lại nói vậy, bởi vì đó là khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị các công việc liên quan, vì như mọi người đều biết, để cho ra đời 1 dự án điện thì có quá nhiều các khâu phải chuẩn bị, các việc phải làm.

- Các dự báo về những khó khăn đã được đưa ra, và là người trong ngành nên ông hiểu rõ hơn ai hết về tính khả thi của vấn đề. Xin được hỏi cảm giác của ông thế nào khi báo chí đăng thông điệp của lãnh đạo là nếu để thiếu điện thì mất chức?

Tôi chịu sức ép quen rồi nên sẽ cùng tập thể EVN cố gắng hết mức để đáp ứng nhu cầu về điện của quốc gia.

- Vậy tình hình cung ứng điện năng năm nay và sau đó diễn biến theo xu hướng nào, thưa ông?

Năm nay thì cơ bản ổn định, còn từ sang năm có thể sẽ khó khăn hơn.

- EVN là doanh nghiệp đặc thù, ông thấy điều này thuận lợi hay bất lợi?

Đây là câu chuyện được nhắc đến đã lâu, và tôi nghĩ nhiều người hiểu. Thực tế mà nói với một doanh nghiệp chỉ đơn thuần làm được sản phẩm rồi bán, nếu không làm được thì thôi sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng với EVN, tính chất công ích nhằm hướng đến những mục tiêu khác của quốc gia là khá rõ. Cũng vì vậy, điều hành hoạt động của EVN không đơn thuần là chỉ nhằm đến lỗ hay lãi.

- Ông muốn nói đến nội dung EVN đầu tư điện lưới vào vùng sâu và xa, những nơi chắc chắn không thể có lợi nhuận?

Đấy cũng chỉ là một khía cạnh, nhưng thời điểm này thì vấn đề đó cũng không phải là trọng điểm nữa vì lưới điện của EVN đã phủ gần như kín rồi.

- Là TGĐ một tập đoàn lớn lại thuộc sở hữu Nhà nước, thưa ông, những rủi ro hay nói khác đi là những nguy cơ của những sai sót có lẽ luôn thường trực, vậy ông xác lập những nguyên tắc nào trong điều hành để ngăn ngừa từ xa?

Công khai và minh bạch.

- Đó là nguyên tắc hàng đầu, thưa ông?

Đúng vậy, công khai và minh bạch mọi vấn đề thì sẽ hạn chế được tối đa những rủi ro và sai phạm.

- Nói lý thuyết là vậy, ông ứng dụng trong công việc thường nhật thì sao?

Cũng đơn giản thôi, mọi việc cứ thảo luận công khai, dân chủ tiếp thu ý kiến của các cấp khi đóng góp vào công việc chung. Hơn nữa, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc khi phân cấp phân quyền. Ví dụ như tôi là TGĐ nhưng tôi không can thiệp vào công việc của các Phó TGĐ. Mọi việc cứ đúng theo chức năng, nhiệm vụ mà làm.

- Phân cấp triệt để thì quyền lực của các Phó TGĐ rất lớn, ông có băn khoăn về ảnh hưởng của mình?

Làm vì cái chung thì có gì mà băn khoăn.

- Vậy còn trách nhiệm?

Phó TGĐ ký đâu có nghĩa là TGĐ không có trách nhiệm. Tôi vẫn nói là tuy các anh (Phó TGĐ) ký nhưng tôi vẫn là người cùng chịu trách nhiệm vì đó chỉ là ký thay.

- Các Phó TGĐ của ông hiện hoạt động ra sao?

Rất hiệu quả.

- Ở trên ông có nói đến từ dân chủ, thực tế đây là một mỹ từ được rất nhiều người, nhiều giới ái mộ và thường xuyên sử dụng vì nhiều mục đích khác nhau. Vậy ở EVN và cụ thể với ông, “dân chủ” được thể hiện cụ thể ra sao?

Có nhiều biểu hiện khác nhau như cầu thị trí tuệ tập thể, không áp đặt quan điểm…còn với riêng tôi đó là luôn muốn lắng nghe ý kiến của mọi người, mọi cấp. Với rất nhiều người, tôi luôn hỏi rất chân thành là tôi nên làm gì!

- Từng là người đứng đầu một Tổng công ty thành viên, giờ đây trên cương vị TGĐ Tập đoàn, ông suy nghĩ gì về sự điều chỉnh (nếu cần có) trong mối quan hệ giữa các đơn vị và bản thân Tập đoàn?

Có lẽ cần một mối quan hệ gần gũi hơn.

- Trong một cơ chế tập thể lãnh đạo, ông nghĩ sao về vai trò của sự phản biện?

Một tập thể mà tất cả thống nhất hết trước mọi vấn đề thì cũng không hẳn đã hay, còn phản biện nếu vì cái chung, không có yếu tố cá nhân thì rất tốt, chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả.

- Công việc khá bận, ông có chơi thể thao không?

Tôi có đánh tennis thôi, nhưng không đều.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Sơn (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Minh bạch mọi vấn đề thì sẽ không có sai sót