Thời gian gần đây, do chịu tác động của dịch Covid-19 nên nhiều loại nông sản của Việt Nam không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Vì vậy, nhiều siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp… ở TP.HCM đã cùng chung tay “giải cứu” nông sản.

TP.HCM ra tay ‘giải cứu’ nông sản mùa dịch coronavirus

13/02/2020, 06:05

Thời gian gần đây, do chịu tác động của dịch Covid-19 nên nhiều loại nông sản của Việt Nam không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Vì vậy, nhiều siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp… ở TP.HCM đã cùng chung tay “giải cứu” nông sản.

Nhiều loại nông sản giảm giá mạnh vì coronavirus - Ảnh: Phan Diệu

Hàng trăm tấn nông sản được “giải cứu”

Tại Long An, trong 3 tháng đầu năm 2020, sản lượng thanh long tồn đọng của địa phương này dự báo sẽ lên khoảng 121.330 tấn, trong đó có khoảng 30.000 tấn tồn kho không tiêu thụ được trong tháng 1.2020; trong tháng 2 và 3.2020 lần lượt có khoảng 59.580 và 31.750 tấn.

Không riêng gì thanh long, hiện tại giá mít Thái đã giảm nhiều so với thời điểm trước Tết Nguyên đán và có rất ít thương lái tìm mua. Nếu trước Tết Nguyên đán, giá mít Thái loại 1 (từ 9kg trở lên) bán được khoảng 28.000 đồng/kg; giá mít loại 2 (7-8kg) bán được khoảng 18.000 đồng/kg; giá mít loại 3 (dưới 7kg) bán được khoảng 13.000 đồng/kg thì hiện nay giá mít Thái giảm chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Tương tự, giá dưa hấu tại khu vực Nam bộ cũng đang giảm sâu. Hiện tại, giá thu mua dưa hấu tại ruộng chỉ còn từ 500 - 1.300 đồng/kg, trong khi trước Tết dao động từ 7.000 - 9.000 đồng/kg. Thời tiết thuận lợi, sản lượng dưa hấu tăng cao nhưng dịch coronavirus bùng phát khiến việc xuất khẩu dưa hấu qua Trung Quốc bị ảnh hưởng. Việc này khiến cho một số diện tích thu hoạch sau tết của nông dân bị rớt giá, tiêu thụ khó khăn.

Đáng chú ý, trước tình trạng một số nông sản rớt giá, gặp khó khăn trong xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch coronavirus, Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã làm việc với Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM để đẩy nhanh việc tiêu thụ. Hiện nay, toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM, 3 chợ đầu mối, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đều tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Theo đó, các hệ thống phân phối, 3 chợ đầu mối tăng cường tổ chức thu mua thanh long, dưa hấu. Đồng thời, kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá, khuyến mại, tổ chức khu vực chuyên doanh các mặt hàng này.

Đến nay, Sở Công thương TP.HCM đã phối hợp với Long An, Bình Thuận và các tỉnh, thành khu vực phía Nam triển khai thực hiện; trong đó tập trung kết nối vào các hệ thống phân phối có mạng lưới kinh doanh trên cả nước như Saigon Co.op, Big C, Vinmart…

Với các giải pháp kích cầu của các đơn vị phân phối, sự đồng hành của người tiêu dùng thành phố, sau thời gian ngắn thực hiện, sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống như Saigon Co.op, Big C, Lotte… đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Cụ thể, từ ngày 3 đến 9.2, Saigon Co.op tiêu thụ 84 tấn thanh long, 80 tấn dưa hấu tăng 2,5 - 3,5 lần so với ngày thường. Từ ngày 6 đến 9.2, hệ thống Vinmart tiêu thụ 85 tấn thanh long, 200 tấn dưa hấu, tăng hơn 10 lần so với ngày thường. Từ ngày 5 đến 10.2, hệ thống Big C tiêu thụ 141 tấn thanh long, 228 tấn dưa hấu tăng gấp 4 - 8 lần so với ngày thường.

Các doanh nghiệp chế biến nông sản cũng tăng cường tổ chức thu mua để sấy khô, trữ lạnh. Để các doanh nghiệp sấy khô yên tâm thu mua, chế biến, Sở Công thương TP.HCM còn cam kết hỗ trợ kết nối, các hệ thống phân phối cùng đồng hành hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản đã sấy khô, chế biến.

Không lo thiếu thực phẩm mùa dịch

Đặc biệt, trước tình hình một bộ phận người tiêu dùng hoang mang do lo ngại dịch bệnh kéo dài, lan rộng nên có hiện tượng gom, tích trữ các mặt hàng lương thực (như mì, bún khô, gạo, nước mắm…) trong những ngày vừa qua; Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã chuẩn bị đủ nguồn hàng hóa thiết yếu và có giải pháp cân đối cung - cầu khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu và có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng cung ứng vượt 30% - 50% kế hoạch TP.HCM giao. Chưa kể, một số doanh nghiệp còn cam kết cung ứng vượt kế hoạch năm 2020, thậm chí đến hết năm 2021.

Trong đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị: lương thực 3.319 tấn/tháng (ngắn hạn) và 9.959 tấn/3 tháng (dài hạn); trứng gia cầm 62,4 triệu quả/tháng (ngắn hạn) và 187,1 triệu quả/3 tháng (dài hạn). Trong khi đó, đường là 1.748 tấn/tháng (ngắn hạn) và 5.245 tấn/3 tháng (dài hạn); thực phẩm chế biến 631 tấn/tháng (ngắn hạn) và 1.895 tấn/3 tháng (dài hạn); rau củ quả 6.409 tấn/tháng (ngắn hạn) và 19.227 tấn/3 tháng (dài hạn)…

Ngoài ra, các doanh nghiệp đồng tình triển khai ngay các chương trình khuyến mại, giảm giá đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, trứng, mì gói, bún khô, nước chấm… từ 10% - 15% tùy theo mặt hàng. Riêng Acecook cam kết đồng hành cùng Sở Công Thương hỗ trợ miễn phí mì, bún khô tại các điểm cách ly nếu có yêu cầu.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
19 phút trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM ra tay ‘giải cứu’ nông sản mùa dịch coronavirus