3 xã của huyện Chợ Mới (An Giang) chuyên làm gạch phục vụ ngành xây dựng ở miền Tây nên địa phương lên phương án mở rộng làng nghề truyền thống đang phát triển.

Mở rộng làng nghề truyền thống, lò gạch xây không phép được cứu

Một Thế Giới | 14/06/2016, 17:38

3 xã của huyện Chợ Mới (An Giang) chuyên làm gạch phục vụ ngành xây dựng ở miền Tây nên địa phương lên phương án mở rộng làng nghề truyền thống đang phát triển.

Ngày 14.6, ông Trương Trung Lập, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết, nhiều hộ dân ở xã Long Giang đang xây lò gạch tự phát. Nhưng đây là nhu cầu chính đáng của người dân địa phương vì xã này là một trong những nơi có làng nghề gạch truyền thống.

Xây ngoài quy hoạch

1 trong những lò gạch xây dựng khi chưa có giấy phép, nhưng vốn đầu tư nhiều tỷ đồng đang dở dang tại Long Giang là lò của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tới (Năm Tới). Công trình xây dựng trên diện tích 2,6 ha, cạnh sông, cách lò gạch cũ của ông Tới khoảng 40m nhưng bị UBND xã này đình chỉ thi công từ cuối tháng 2 đến nay.

Ông Tới cho biết, cách đây gần chục năm, trong thời cực thịnh của cá tra, vợ chồng ông bán miếng đất này cho một số đại gia nuôi cá. Tuy nhiên, vùng đất được quy hoạch nuôi trồng thủy sản này hiện nay rất nhiều ao cá bị bỏ hoang, nhiều người lấp ao vì thua lỗ. Thấy chủ ao kêu bán đất, vợ chồng ông Tới mua lại.

Giữa năm 2015, lò gạch của ông Tới xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Cả trăm công nhân làm việc ở đây có người bị cây rơi trúng đầu nên vợ chồng ông Tới bàn nhau xây lò mới. Sẵn đất vừa mua lại, ông Tới mua hàng nghìn xe đất lấp ao ròng rã mấy tháng trời.

Sau đó, ông xây dựng nhà xưởng và mua dây chuyền sản xuất đem về chuẩn bị sản xuất. Suốt thời gian này, địa phương không có ý kiến gì, dù biết lò gạch nằm ngoài quy hoạch.

Đến tháng 12.2015, UBND xã Long Giang kiểm tra và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Tới 3 triệu đồng vì vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai. 2 tháng sau, UBND xã ra quyết định đình chỉ thi công công trình xây dựng.

Trước nguy cơ mất trắng tài sản vì thi công không phép, ông Tới làm đơn nhận sai và xin phép được chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì lò gạch này liên quan đến cuộc sống của hàng trăm nhân công.

Chủ tịch huyện sẽ cứu doanh nghiệp, giữ làng nghề?

“Tôi hiểu biết pháp luật hạn chế nên cứ cắm đầu làm, không biết nghị định, quy định cụ thể như thế nào, giờ mới biết sai. Để xây lò gạch này, vợ chồng tôi gom hết vốn liếng, kể cả mượn tiền của công nhân để lò sớm hoàn thành. Nay chỉ mong được nhà nước cứu xét, nếu không gia đình tôi sẽ phá sản”, ông Tới nói.

Ông Trương Trung Lập, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới (An Giang) nói về hướng mở rộng quy hoạch làng gạch truyền thống ở Long Giang.

Thấy người dân Long Giang như ông Tới đứng ngồi không yên, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới thấy rằng, huyện từng quy hoạch phát triển lò gạch ở xã Nhơn Mỹ nhưng xem lại thấy không phù hợp. Vì vậy, Chợ Mới đang làm thủ tục mở rộng quy hoạch phát triển vùng làm gạch ở xã Long Giang vì làng nghề truyền thống này đã hoạt động từ rất lâu, nhiều lò gạch đang hoạt động nên mở rộng ở đây sẽ thuận lợi hơn.

“Giữa tuần này, chúng tôi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh. Nếu được cấp trên đồng ý, người dân xây lò mà bị đình chỉ vì làm trước quy hoạch sẽ được thi công trở lại”, người đứng đầu UBND huyện Chợ Mới khẳng định.

Hiện, huyện Chợ Mới có 400-500 lò gạch tập trung ở xã Long Giang, Nhơn Mỹ và Mỹ Hội Đông, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động đến từ các tỉnh ĐBSCL.

Hàm Yên

Ảnh: Lò gạch mới của ông Tới (bên phải) cách làng nghề gạch ở Long Giang một con sông. Nếu mở rộng quy hoạch thì chủ lò sẽ được cứu, lò gạch đình chỉ sẽ được xây dựng lại.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
3 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở rộng làng nghề truyền thống, lò gạch xây không phép được cứu