Liên quan đến quy định phải xin phép khi ghi âm, ghi hình người tiếp công dân đang gây nhiều ý kiến trái chiều, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về vấn đề này.

Mối quan hệ giữa dân và người tiếp dân đang khủng hoảng

Trí Lâm | 18/01/2019, 19:46

Liên quan đến quy định phải xin phép khi ghi âm, ghi hình người tiếp công dân đang gây nhiều ý kiến trái chiều, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam về vấn đề này.

- Thưa ông, vừa qua sau khi họp liên ngành, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã kết luận rằng quy định của UBND thành phố Hà Nội "ngoài tầm” thẩm định của họ. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Tôi theo dõi sát câu chuyện ầm ĩ này và biết rằng trong bối cảnh còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt nhiều quan điểm đứng tuyệt đối về phía người dân. Dư luận đã rất mong chờ quan điểm chính thức từ Bộ Tư pháp.

Do đó, việc từ chối phát ngôn do thiếu thẩm quyền như trên, tôi tin rằng nhiều người trong đó có tôi hơi thất vọng bởi dù sao Bộ Tư pháp cũng được cho là cơ quan đại diện cao nhất về chuyên môn pháp luật của cả nước.

Có thể suy luận rằng sự việc này đã trở nên có tính nhạy cảm về chính trị, cho nên mọi sự thận trọng đều được cho là sáng suốt. Trên Facebook, ngay khi tôi có quan điểm khá rõ nhưng trung lập về vấn đề này thì đã nhận nhiều phản hồi không đồng tình.

- Trở lại câu chuyện quy chế tiếp dân mới của UBND thành phố Hà Nội không cho người dân được tự ghi âm, ghi hình, nhiềungười dân cho rằng việc cấm họ sẽ ảnh hưởng đến việc giám sát trong công tác tiếp dân, trong khi chính quyền thành phố Hà Nội cho rằng quy định này là để ngăn việc "một số thành phần" lợi dụng để xuyên tạc, nói xấu cán bộ tiếp dân. Ông cho rằng quan điểm nào là hợp lý, hợp tình?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập:Đánh giá vấn đề một cách thực chất và sâu hơn cần phải thấy ở tầng vĩ mô, tiếp dân là câu chuyện đẹp trong quan hệ giữa người dân và chính quyền và tôi không thấy mấy nước có cả một luật riêng về tiếp công dân như ở ta. Vậy thì tại sao người dân lại khăng khăng muốn được ghi âm và ghi hình các buổi tiếp như vậy, ngầm định để tạo các chứng cứ pháp lý cho việc tố giác, khiếu nại hay kiện tụng nào đó? Còn về phía cán bộ chính quyền, tại sao lại phải cảnh giác, đề phòng rằng người dân khi đến với chính quyền có thể với dụng ý xấu, muốn công kích hay nói xấu họ?

Rõ ràng mối quan hệ đúng ra phải tốt đẹp này đang bị trở thành méo mó rồi. Cụ thể hơn, nó phải được nhìn nhận như một sự khủng hoảng về niềm tin với nhau từ cả hai chiều.

Bắt đầu là mất niềm tin từ phía người dân đối với các cán bộ trong chính quyền và kéo theo đó là sự thiếu tôn trọng và thành kiến theo hướng tiêu cực của chính các cán bộ chính quyền đối với người dân. Bởi như một lẽ tự nhiên, nếu cả hai bên khi tiếp xúc tin tưởng và tôn trọng nhau thì chắc chắn không có lý do gì để phải ghi âm hay quay phim, chụp ảnh.

Theo Luật Tiếp công dân, chúng ta biết người dân có quyền đến gặp chính quyền để trình bày các ý kiến góp ý của mình về chính sách hoặc tố giác, khiếu nại một vi phạm nào đó đối với quyền của họ.

Khi tiếp xúc trực tiếp như vậy, hoặc người dân muốn được bảo vệ sự riêng tư, tức không có việc ghi âm hay ghi hình; hoặc họ không tin vào sự chuyển tiếp các yêu cầu của mình qua khâu trung gian nên muốn đối diện người có thẩm quyền. Nếu mọi việc diễn biến đúng bản chất như vậy, tôi không cho rằng việc ghi âm, ghi hình của người dân là cần thiết.

Còn về phía chính quyền, nếu chủ động ghi âm, ghi hình thì chỉ nên nhằm mục đích kiểm soát các cán bộ của mình khi tiếp dân, và nếu như thế thì việc này phải ghi vào quy chế chung và thông báo cho người dân biết.

Trong trường hợp như vậy, quyền của người dân được thể hiện ở chỗ họ có thể không đồng ý ghi âm, ghi hình họ, nếu đó là xâm phạm quyền riêng tư và chính quyền có thể xem xét chấp nhận.

Bản thân tôi đã đến làm việc với nhiều cơ quan chính quyền ở nước ngoài và trải nghiệm hai tình huống, đương nhiên tuỳ thuộc vào việc cụ thể: Hoặc là phía chính quyền yêu cầu làm đúng thủ tục theo quy định mà chẳng nói năng gì, hoặc là họ rất lắng nghe và hỏi han cặn kẽ, nếu mình có yêu cầu gì chính đáng thì dường như đều được chấp nhận. Vấn đề là trong cả hai tình huống đó tôi đều cảm thấy vui vẻ và hài lòng.

Diễn giải như thế, tôi muốn nói rằng cả hai phía với lập luận ở trên rằng người dân muốn giám sát chính quyền và chính quyền muốn phòng ngừa dụng ý xấu của người dân đều là không hợp lý, hợp tình. Nói một cách khác, lý sự như vậy không phải là cách tiếp cận vấn đề một cách bình thường và lành mạnh, bởi nó chỉ có thể dẫn đến sự chia rẽ hơn nữa giữa chính quyền và người dân mà thôi.

- Vậy, thưa ông, dưới góc nhìn pháp luật của một luật sư thì quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập:Cứ ví dụ đây là một tranh chấp pháp luật và việc này được đưa đến Toà án để phân xử thì theo tôi, khi đó sẽ có ba vấn đề pháp lý được xem xét.

Thứ nhất, một công sở không phải là nơi công cộng như sân bay hay quảng trường, do vậy nó có người quản lý được gọi là “chủ nhà”. Chủ nhà có quyền ấn định quy tắc ứng xử cho mọi người có mặt trong toà nhà miễn không vi phạm pháp luật, bao gồm trong trường hợp này cả quyền ghi âm, chụp ảnh hay ghi hình.

Thứ hai, quyền tự do của người dân được cho là làm những gì mà pháp luật không cấm.

Thứ ba, đó là quyền người dân được giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung do Hiến định.

Quan điểm của tôi cho rằng quyền thứ nhất sẽ được ưu tiên áp dụng bởi nó là quyền cụ thể và không làm tổn hại đến hai quyền kia, cái mà tôi gọi nôm là “quyền của chủ nhà”.

Nhiều người đã tranh luận với tôi, nói rằng chính người dân mới là chủ nhà chứ không phải cán bộ nhà nước. Lập luận như vậy là thái quá bởi nói người dân là chủ là ám chỉ mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền nói chung chứ không thể là quan hệ cá nhân của từng người dân với từng cơ quan hay cán bộ chính quyền.

Ngoài ra, đối với quyền thứ hai và thứ ba, đó là các quyền chung có tính nguyên tắc, trong áp dụng pháp luật đòi hỏi phải được cụ thể hoá bằng các điều khoản rõ ràng thì mới được thừa nhận, ít nhất trong các tranh chấp cụ thể.

Về câu hỏi là việc người dân phải xin phép khi muốn ghi âm, chụp ảnh hay ghi hình có xâm phạm đến quyền tự do chung và quyền giám sát theo Hiến định hay không? Tôi cũng nói “Không”, bởi vì người dân đã có các cơ chế pháp lý khác để thực hiện hai quyền này rồi, hay nói cách khác, các quyền này không hề bị ngăn cản hay tước đoạt.

- Trên thực tế, vấn đề ghi âm, ghi hình khi tiếp dân đã được Quốc hội bàn thảo nhưng đã không được đưa vào Luật Tiếp công dân khi ban hành. Sau đó, một số cơ quan nhà nước đã ban hành quy định không cho phép người dân tự ý ghi âm, ghi hình. Trong bối cảnh dư luận tranh cãi mới về vấn đề này và ngay phía các cơ quan nhà nước cũng đang có quan điểm khác nhau, để có một phương án giải quyết căn bản thì ông sẽ đề xuất gì?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập:Đề xuất của tôi là chúng ta phải nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề bởi câu chuyện ghi âm, ghi hình này chỉ là các dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn ở phía chìm của tảng băng mà thôi.

Cụ thể, như một biện pháp căn bản và lâu dài, các cơ quan nhà nước phải có những thay đổi hay thậm chí cải cách thực sự trong suy nghĩ, thái độ và ứng xử với người dân mà việc nghiêm chỉnh thực hiện Luật Tiếp công dân chỉ là một ví dụ.

Chẳng hạn, là một luật sư trợ giúp pháp lý rất nhiều cho những người dân nghèo, tôi biết họ thường không được các cán bộ chính quyền lắng nghe thực sự, chưa nói tới tiếp thu và giải quyết vấn đề. Tức là việc tiếp dân nói chung vẫn chỉ là hình thức, đôi khi còn phản tác dụng đối với người dân, khi họ bị đe nẹt thậm chí hăm doạ trong chính các công sở, với hệ luỵ là bị theo dõi và đối xử bất lợi sau đó với các tố giác hay khiếu nại.

Riêng đối với vụ việc cụ thể này của thành phố Hà Nội, tôi vẫn cho rằng cách cãi lý và bắt bẻ câu chữ của luật pháp dù của chính quyền hay của phía người dân không phải là cách giải quyết phù hợp.

Không cần thoả hiệp đơn giản để chiều dư luận bằng cách sau đó cho người dân tuỳ nghi trong việc ghi âm, ghi hình, để rồi tạo ra phản ứng đối phó tiêu cực của các cán bộ tiếp dân. Thay vào đó, cần phải rà soát và xây dựng một quy chế tiếp công dân kỹ càng và cẩn trọng hơn. Một khi người dân nhạy cảm hay coi trọng một vấn đề nào đó thì chính quyền cần tham vấn, thảo luận hay đối thoại công khai với họ trước khi quyết định.

Đó là ứng xử chính trị. Còn với ứng xử luật pháp, quy chế tiếp dân của UBND thành phố, theo tôi cần được thông qua bởi Hội đồng nhân dân trước khi ban hành.

Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm thực hiện
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mối quan hệ giữa dân và người tiếp dân đang khủng hoảng