Trao đổi với báo Một Thế Giới, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã bày tỏ những trăn trở kể từ khi đảm nhiệm vị trí người đứng đầu một ngành rất đặc thù.
PV: Thưa ông, văn hoá là một lĩnh vực khó nắm bắt, dễ mang tiếng hơn là được nổi tiếng, thời điểm tiếp nhận chiếc ghế Bộ trưởng, có hay không hành động ông tự hứa với bản thân đó sẽ là việc làm xuyên suốt trong nhiệm kỳ để tạo hiệu ứng thay đổi diện mạo nền văn hoá nước nhà?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” với ý nghĩa là văn hóa phải được coi trọng hàng đầu, có vai trò quan trọng, định hướng sự phát triển của đất nước.
Trong thực tế đời sống, chúng ta cũng thấy văn hóa tồn tại ở tất cả mọi nơi, dường như ai cũng có thể nói về văn hóa theo những góc nhìn khác nhau, tùy thuộc vào vị trí, kiến thức và cảm nhận của mỗi người. Chính vì vậy, ngay từ khi tiếp nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh một vinh dự lớn đối với bản thân, đồng thời tôi luôn xác định trách nhiệm hết sức nặng nề trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Và tôi cũng luôn tâm niệm, tự hứa với bản thân là phải hết sức cố gắng, nỗ lực để cùng toàn ngành phát huy những kết quả, thành tựu, khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Tuy vậy, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp lâu dài, là sự nghiệp của toàn dân - đòi hỏi sự nỗ lực, tâm huyết, thời gian và cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội.
Nhưng tôi tin rằng, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả của ngành hôm nay, chúng ta sẽ thu được những thành công trong tương lai.
- Từng là người đứng đầu về chính trị đất cố đô, với kinh nghiệm của mình, ông có thấy những điểm nút nào dễ trở thành “vũng lầy” nếu không tập trung giải quyết ngay từ những ngày đầu làm Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:Từng là lãnh đạo, quản lý một địa phương cố đô như Thừa Thiên – Huế, tôi nhận ra rằng, văn hóa không thể đứng riêng lẻ, phát triển văn hóa luôn phải được xem xét trong mối quan hệ tổng thể với tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều điểm nút cần giải quyết nhưng chắc là phải chọn ra những điểm nút ưu tiên.
Điểm nghẽn thứ nhất là về đội ngũ cán bộ, chúng ta đang rất thiếu những chuyên gia đầu ngành và những nhà quản lý giỏi, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Xây dựng được một đội ngũ cán bộ của ngành đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ sẽ là nhân tố quan trọng để các công việc của ngành được thực hiện tốt, từ đó có tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác.
Trăn trở thứ hai của tôi chính là cần xác định giải pháp cụ thể hơn nữa để thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước, giải quyết những vấn đề đang bức xúc trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch như mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, dân tộc và quốc tế, xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hay những vấn đề về chống xuống cấp đạo đức trong xã hội…
Thứ ba là cần phải huy động được sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc chung tay xây dựng và phát triển văn hóa.
- Ở Việt Nam có một cách hiểu phổ biến rằng là Bộ trưởng thì quyền lực rất lớn, thực tế đây là nhận định nói đúng cũng được mà sai cũng được, nhất là với lĩnh vực văn hoá. Ông nghĩ sao về việc này và có mong muốn gì về cơ chế để người đứng đầu một Bộ đặc thù như ông có thể làm việc đạt hiệu quả cao hơn?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:Tôi nghĩ Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, giúp Thủ tướng quản lý một lĩnh vực của đời sống xã hội thì phải có trách nhiệm lớn, và vì vậy, cũng phải có quyền lực tương xứng.
Tuy nhiên, dù được giao nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm lớn, và ở đây có thể được hiểu là có quyền lực nhất định nhưng Bộ trưởng phải làm việc có lương tâm, trách nhiệm, đúng chức trách, không lạm dụng quyền lực và đặc biệt phải ý thức đầy đủ về sự nêu gương cả trong công việc và đời sống riêng tư hàng ngày.
Về cơ chế để người đứng đầu Bộ có thể làm tốt hơn công việc của mình, tôi cho rằng, ngành nào là lĩnh vực đặc thù thì đương nhiên cũng phải xây dựng cơ chế vận hành đặc thù cho lĩnh vực ấy để phù hợp và hiệu quả. Tôi nhận thấy, cơ chế hoạt động cơ bản hiệu quả, nếu có vấn đề được xem là khúc mắc hiện nay thì cũng nằm ở khâu triển khai chứ không ở cơ chế.
- Năm 2018 là một năm có nhiều câu chuyện đáng nhớ với Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, riêng ông, với tư cách Bộ trưởng ông muốn mọi người cùng nghĩ về sự kiện nào nhiều nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:Có thể nói năm 2018 là một năm nhiều dấu ấn đối với Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với khởi đầu là chiến thắng ấn tượng của đội tuyển bóng đá U.23 Việt Nam, giành Huy chương Bạc Giải bóng đá U.23 Châu Á; thành công của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 với 38 Huy chương các loại, trong đó có 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ, xếp thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Asian Games 2018. Và những ngày cuối cùng của năm dương lịch, Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã xuất sắc giành Cup Vô địch Giải AFF Cup 2018 - một món quà vô cùng quý giá dành tặng người hâm mộ thể thao Việt Nam sau 10 năm mong đợi.
Ngành Du lịch lần đầu tiên đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018, tăng gần 2 lần so với năm 2015. Du lịch Việt Nam được vinh danh là điểm đến hàng đầu của Châu Á do tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Award (WTA) trao tặng. Đồng thời, đã có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý điện ảnh, di tích, thư viện, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm... Cùng với đó, công tác quản lý lễ hội ngày một nề nếp hơn, các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm.
- Thường thì dịp tổng kết chủ yếu mọi người sẽ nói về thành tựu, nhưng tôi muốn ông đề cập đến những gì còn trăn trở. Do đó, nếu chỉ gút lại vào một lo âu lớn nhất và dai dẳng nhất khi bước sang năm mới 2019, thưa ông, điều đó sẽ là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:Nghị quyết số 33-NQ/TW nêu rõ một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới là: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách...”. Chính vì vậy, lo âu lớn nhất của tôi vẫn là làm sao để ngăn chặn đà đi xuống của đạo đức xã hội.
Tôi chắc đây không chỉ là trăn trở của riêng tôi mà còn của tất cả mọi người, dù biết là sẽ rất khó khăn và cần có thời gian để giải quyết tận gốc vấn đề này. Tôi thích câu nói: “Không phải lúc này thì bao giờ! Không phải ở đây thì ở đâu! Không phải chúng ta thì là ai?”. Ngay ngày hôm nay, tại đây và tất cả chúng ta sẽ cùng nhau, chung tay xây đắp văn hóa của đất nước, để văn hóa thực sự soi đường cho quốc dân đi như mong muốn của Bác.
- Xin cảm ơm ông!
PV (thực hiện)