Hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội nhiều nhất ngày hôm qua, 5/9, có lẽ là hình “lễ khai trường giữa trời, đất, núi và sông” của thầy trò ở điểm trường bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Trên trang facebook của mình,anh Nguyễn Văn Tiến Hùng chia sẻ: “Giữa một rừng facebook với những cảnh tựu trường của hoa, áo sắc màu chốn đô thành với trường ta, trường tây… thì hình ảnh này bắt đứng cảm xúc, bắt dừng trái tim!”
“Trên một bãi sông đầu nguồn, giòng nước đục ngầu cuộn chảy, thầy và trò đứng nghiêm trang chào đón năm học mới của mình. Một chiếc micro, một tư thế nghiêm trang, một phông vải xanh đơn giản, học trò ngay hàng, thấy cô thẳng lối…. có gì đó như một sự thiêng liêng của học hành, chữ nghĩa… đang hiện diện!” – anh Tiến Hùng viết tiếp.
Đó là hình ảnh các em học sinh thầy cô và học sinh tại điểm trường bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, (nơi cách thị trấn huyện hơn 70 cây số) đang dự “lễ khai trường giữa trời, đất, núi và sông”.
Đọc những dòng này, tôi bất giác nhớ đến câu chuyện của riêng chúng tôi, cũng trong sáng nay. Mới vào đầu giờ họp, anh chủ biên xin lỗi vì quên mất hôm nay là ngày khai giảng, lẽ ra phải cho các anh chị nghỉ họp hoặc đến trễ hơn lệ thường.
Anh chàng có con nhỏ nhất kể chuyện kẹt xe ở cổng trường của anh, phụ huynh suýt đánh nhau. Rồi chúng tôi nói với nhau, học sinh thành thị khổ vì đứng nắng với phát biểu dài dòng lê thê, nghe nói năm nay Bộ Giáo dục chỉ đạo luôn là phát biểu ngắn lại, tuyên bố khai trường rồi cho học sinh vào lớp.. v.v và v.v
Tôi chợt cảm thấy có gì đó không công bằng.
Cũng trong ngày hôm nay, giữa một rừng facebook cờ hoa,VOVđưa lên hình ảnh trẻ em ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) phải qua suối bằng bao nilon để đến tựu trường.
Và tất nhiên, đó cũng không phải là những hình ảnh nhức nhối cuối cùng. Ngay chương trình thời sự trênVTV1hôm 4/9, sau bao nhiêu trăm tỷ, ngàn tỷ đổ vào cải cách giáo dục, thì vẫn còn ngổn ngang những cảnh trường đổ sập vì mưa lớn, bàn ghế mục nát không có kinh phí để mua thay thế cho học sinh kịp ngày khai giảng, sách giáo khoa thiếu trầm trọng, các em học sinh phải hai ba em một cuốn để học…
Có lẽ chúng ta không chỉ cảm phục tinh thần vì sự học của các em, mà chúng ta cũng phải cảm phục sự vượt khó của các thầy cô, cha mẹ các em, đã tìm đủ mọi cách giúp cho các em có giây phút khai giảng – mong cho các em có được cái ngày quay trở lại trường với giây phút mà nhà văn Thanh Tịnh đã mô tả mà hầu hết các học sinh nào cũng nhớ
“Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
Bây giờ là thế kỷ 21 rồi, mà các em chưa thể được nô nức đến trường với những kỷ niệm mênh mang như thế sao?
Đến đây, bất giác tôi chợt ước ao, giá mà ngài Bộ trưởng, hay các lãnh đạo ngành giáo dục, thử một lần trực tiếp đến các làng bản như Nậm Ngà, Huổi Hạ dự lễ khai trường, chứng kiến tận mắt cảnh các em học sinh qua suối bằng cách đu dây, hay bao nilon, biết đâu đấy, những trăm tỷ, ngàn tỷ đổ vào giáo dục sẽ lại được chi dùng cho hiệu quả hơn?
Cuối cùng, tôi xin được chia sẻ một tin vui, trưa nay tôi nhận được nhắn tin phản hồi của độc giả: bài viết trên báo kể chuyện thầy giáo Huỳnh Thái Điệp “cõng” cả phòng máy tính trên lưng suốt mấy năm trời cho học sinh miền núi nhận được nhiều sự đồng cảm. Thầy Lê Viết Chung (tác giả bài viết cũng chính là thầy của thầy Huỳnh Thái Điệp) vui mừng không chỉ vì tinh thần yêu nghề, yêu trẻ không quản khó khăn của Điệp được lan tỏa, mà qua bài báo, nhiều độc giả sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về những khó khăn, thiếu thốn của cả thầy lẫn trò ở những vùng cao, vùng dân tộc ít như thầy trò Huỳnh Thái Điệp.
Ngày khai trường của tụi nhỏ mà, sao cứ thấy buồn gì đâu?
Ngân Hà