Theo nhà phân tích Leo Lewis của trang The Financial Times, món mì ăn liền được mọi người ưa thích có thể phản ánh tình hình kinh tế thế giới.
Mì ăn liền là một trong số “vũ khí” giúp ích rất nhiều cho cuộc chiến chống lại nạn đói, một sản phẩm vượt trội trong số thực phẩm chế biến sẵn, nổi bật với loạt ưu điểm giá cả phải chăng, tiện dụng, dễ trữ, dùng được mọi lúc mọi nơi. Cuối những năm 1950, mì ăn liền “nuôi sống” Nhật Bản chịu thiệt hại nặng nề do chiến tranh.Tuy nhiên, cũng vì loạt ưu điểm này mà nhu cầu mì ăn liền tăng có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình kinh tế - xã hội dường như đang có vấn đề.
Món ăn thời lạm phát
Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) xác định trong năm 2022, nhân loại tiêu thụ tổng cộng 121 tỉ gói mì ăn liền, tăng khoảng 17% so với năm 2018. Mức tăng ở vài quốc gia như Nigeria, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ còn lên khoảng 54 - 425%. Số liệu phản ánh rõ món này đang làm tốt nhiệm vụ đem đến bữa ăn cung cấp đủ calorie, giá cả phải chăng cho người dân sống trong thời lạm phát.
Đại dịch cùng biện pháp phong tỏa chống dịch, gián đoạn nguồn cung thực phẩm và nhu cầu của nhóm đối tượng không thường xuyên nấu nướng thúc đẩy tiêu thụ mì ăn liền thời kỳ 2020-2021 gia tăng. Nhưng đáng chú ý là đà tăng vẫn kéo dài sang thời kỳ hậu COVID-19.
Dùng nhiều mì ăn liền là dấu hiệu xấu
Giờ đây ngay cả người dân quốc gia phát triển cũng rơi vào chu kỳ “sụt giá tiêu dùng” (down-trading) - từ bỏ sản phẩm/thương hiệu đắt tiền chuyển sang dùng mặt hàng rẻ hơn để tiết kiệm. Tính đến cuối năm 2022, mức tiêu thụ mì ăn liền của Mỹ và Anh trong vòng 5 năm đều tăng 14%. Nhật Bản - nước vừa ghi nhận lạm phát trở lại sau nhiều thập niên giảm phát - cũng tiêu thụ mì ăn liền nhiều hơn so với năm 2018 mặc dù dân số giảm đi.
Theo giới phân tích, xu hướng mua hàng ở thị trường thức ăn chế biến sẵn dưới 1 USD của Mỹ thay đổi rõ rệt. Các hộ gia đình mua mì ăn liền với số lượng lớn do giá cả thực phẩm tăng cao. Hai đơn vị Toyo và Nissin lần lượt nắm giữ 70% và 30% thị phần, cam kết duy trì mức giá rẻ so với sản phẩm khác như súp đóng hộp. Nissin nhận định mức tiêu thụ mì tăng mạnh không phải tạm thời và cũng chẳng đáng vui.