Sáng nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo đặc biệt để bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Đặc biệt, thông báo nêu rõ Mỹ bác bỏ mọi yêu sách lãnh hải của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam)

Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc quanh bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam

14/07/2020, 08:30

Sáng nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông báo đặc biệt để bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Đặc biệt, thông báo nêu rõ Mỹ bác bỏ mọi yêu sách lãnh hải của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam)

Mỹ cử 2 tàu sân bay tới Biển Đông - Ảnh: Internet

Tuyên bố mở đầu:

"Hoa Kỳ đấu tranh cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ngày nay, chúng tôi đang tăng cường chính sách của Hoa Kỳ tại một khu vực quan trọng, gây tranh cãi là Biển Đông. Chúng tôi đang làm rõ: Bắc Kinh với các yêu sách đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch uy hiếp để kiểm soát chúng.

Ở Biển Đông, chúng tôi tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi nỗ lực sử dụng cưỡng chế hoặc ép buộc để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi chia sẻ sâu sắc chuyện này và các mối quan tâm với nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi, những nước từ lâu đã tán thành một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc".

Sau đó, tuyên bố lên án các hành động của Trung Quốc với các nước ASEAN:

"Những lợi ích chung này đã bị đe dọa chưa từng có từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Bắc Kinh sử dụng mối đe dọa để làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven bờ Biển Đông, uy hiếp họ rời khỏi các nguồn năng lượng ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng cách luật kẻ mạnh. Cách tiếp cận Bắc Kinh đã rõ ràng trong nhiều năm qua. Vào năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ là Dương Khiết trì đã nói với các đối tác ASEAN rằng Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là các nước nhỏ và đó đơn thuần là sự thật. Quan điểm thế giới cá lớn nuốt cá bé của PRC không có chỗ trong thế kỷ 21.

PRC không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra một cơ sở pháp lý nhất quán nào cho yêu sách của mình về đường 9 đoạn trên Biển Đông kể từ khi chính thức công bố vào năm 2009. Trong một quyết định được nhất trí vào ngày 12.7.2016, Tòa án Trọng tài được thành lập theo Luật Công ước Biển 1982 - mà PRC là một quốc gia thành viên - đã bác bỏ các yêu sách trên biển của PRC vì không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Toà án đứng về phía Philippines, nước đưa ra vụ kiện trọng tài, trên hầu hết các yêu sách.

Như Hoa Kỳ đã tuyên bố trước đây và như được quy định cụ thể trong Công ước, quyết định của Tòa án Trọng tài là quyết định cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên. Hôm nay chúng tôi đang điều chỉnh quan điểm của Hoa Kỳ trong các yêu sách trên biển của PRC tại Biển Đông với quyết định của Toà án".

Từ đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Vì Bắc Kinh đã không đưa ra một yêu sách lãnh hải hợp pháp, mạch lạc ở Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài lãnh hải 12 hải lý xuất phát từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - ND)".

Đồng thời, phía Hoa Kỳ "bác bỏ mọi yêu sách lãnh hải của PRC tại vùng biển xung quanh bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Luconia Shoals (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất kỳ hành động PRC nào để quấy rối các quốc gia khác đánh cá hoặc khai thác dầu khí ở những vùng biển này - hoặc để thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương - là bất hợp pháp".

Tuyên bố kết luận: "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là sân sau của mình. Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền và từ chối mọi nỗ lực tự áp đặt luật kẻ mạnh trên Biển Đông hoặc khu vực rộng lớn hơn".

Hồi đầu tháng 7, Bộ Quốc phòng Mỹ ra tuyên bố phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố ngày 2.7 của Lầu Năm góc nêu rõ khu vực nơi cuộc tập trận diễn ra bao gồm cả các vùng biển và lãnh thổ có tranh chấp. Việc tiến hành tập trận tại vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông gây trở ngại đối với các nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì ổn định.

Các hành động của Trung Quốc sẽ làm bất ổn hơn nữa tình hình ở Biển Đông. Những hành động như vậy cũng vi phạm các cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm tránh những hành động làm phức tạp hay leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định khu vực.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc tập trận là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và gây tổn hại cho các nước láng giêng Đông Nam Á của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những hành động ấy đi ngược lại cam kết của Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông, cũng như trái với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền của họ, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với luật pháp và các qui tắc được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc quanh bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam