Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang công khai qui tội CHDCND Triều Tiên tấn công mạng bằng mã độc 'Chỉ có nước khóc' hồi tháng 5.2017.
Theo hãng tin AP ngày 19.12, trong một bài viết khuya 18.12 (giờ Mỹ) đăng trên báo The Wall Street Journal, cố vấn Bộ an ninh nội địa Mỹ Tom Bossert viết rằng Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công mạng Chỉ có nước khóc (Wanna Cry) vào hàng trăm ngàn máy điện toán trên thế giới, làm tê liệt 1/3 hệ thống máy tính của các trung tâm y tế công của Anh.
Ông Bossert nêu việc Mỹ qui trách nhiệm cho Triều Tiên dựa trên chứng cứ rõ ràng, và được chính phủ các nước khác cùng các công ty tư nhân công nhận, gồm Anh và Microsoft.
Ông viết: “Triều Tiên hành xử cực kỳ xấu. Wanna Cry là vụ tấn công nhẫn tâm không chừa một ai”.
Ông Bossert nói chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục dùng “chiến lược gây sức ép tối đa để ngăn chặn khả năng Triều Tiên tấn công mạng hoặc tấn công bằng các cách khác”.
Chỉ có nước khóc-hay còn được gọi là WannaDecryptor 2.0-là một mã độc tống tiền lan truyền trên các máy tính dùng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Vào tháng 5.2017, một đợt tấn công quy mô toàn cầu đã khiến hơn 230.000 máy tính ở 150 quốc gia bị nhiễm mã độc này.
Chỉ có nước khóc sau khi xâm nhập sẽ mã hóa các dữ liệu trong máy tính và đưa ra một thông điệp đòi tiền chuộc khoảng 300 USD/máy nếu chủ nhân máy muốn khôi phục lại dữ liệu. Đây được xem là cuộc tấn công mạng lớn nhất từ trước đến nay.
Theo điều tra của Văn phòng kiểm toán quốc gia Anh (NAO), đợt tấn công Chỉ có nước khóc đã ảnh hưởng 81 trong tổng số 236 trung tâm y tế thuộc Hệ thống Y tế quốc gia Anh (NHS), khiến ít nhất 6.912 cuộc hẹn y tế bị hủy bỏ, các phòng cấp cứu phải đóng cửa, phải dừng việc chữa trị y tế.
Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallace khẳng định chính các tin tặc Triều Tiên đã phát tán mã độc Chỉ có nước khóc.
Văn phòng các chính phủ Nga, Tây Ban Nha cùng nhiều nước khác cũng bị tấn công, cùng các trường đại học ở châu Á, hệ thống đường sắt quốc gia Đức, các công ty đa quốc gia như hai hãng xe Nissan và Renault.
Việc phát tán mã độc Chỉ có nước khóc được ngăn chặn bởi chuyên viên an ninh mạng 23 tuổi người Anh Marcus Hutchins. Anh đăng ký một tên miền ẩn bên trong mã của virus để theo dõi sự lây lan của Chỉ có nước khóc, nhờ đó đã làm chậm lại sự lây lan của loại vi- rút này.
Điều bất thường là Hutchins bị FBI bắt vài tháng sau đó, khi anh du lịch Mỹ. Anh không nhận tội, hiện chờ xét xử về tội anh tạo ra các dạng mã độc không liên quan Chỉ có nước khóc.
Mỹ-Hàn Quốc đã tố cáo Triều Tiên thực hiện nhiều vụ tấn công mạng trong nhiều năm gần đây, dù Bình Nhưỡng phủ nhận.
Hồi tháng 10, một nghị sĩ Hàn Quốc nói tin tặc Triều Tiên cướp các tài liệu quân sự tuyệt mật, gồm kế hoạch “tấn công chặt đầu” lãnh đạo Triều Tiên.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói nhiều khả năng Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng Trung tâm dữ liệu quốc phòng, nơi lưu trữ dữ liệu quân sự Hàn Quốc, hồi tháng 9.2016. Nhưng Bộ từchối xác nhận các dữ liệu này đã bị tấn công.
Năm 2016, Hàn Quốc cũng cáo buộc Triều Tiên xâm nhập dữ liệu của hơn 10 triệu cư dân mạng trên một trang mua sắm trực tuyến, và hàng chục tài khoản e-mail của các nhà báo và quan chức chính phủ Hàn Quốc.
Năm 2014, Mỹ chính thức cáo buộc Triều Tiên tấn công mạng của hãng phim Sony Pictures Entertainment, để trả đũa hãng này đã tung phim hài Cuộc phỏng vấn mang nội dung một âm mưu ám sát lãnh đạo Triều Tiên.
Năm 2015, Hàn Quốc nói Triều Tiên có đạo quân tấn công mạng 6.000 người, chuyên phá hoại quân đội và chính phủ Hàn Quốc. Con số này tăng đáng kể, so với việc Hàn Quốc ước tính có 3.000 chuyên gia tin tặc Triều Tiên.
Bích Ngọc (theo AP)