Hôm qua 30.5, Bộ quốc phòng Mỹ quyết định đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Độ dương - Thái Bình dương và áp dụng ngay từ giờ. Dư luận đánh giá đây là động thái cảnh báo với Trung Quốc sau những hoạt động leo thang gần đây trên Biển Đông.
Từ trụ sở chỉ huy của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã thông báo quyết định đổi tên này. Ông Mattis khẳng định đây là Bộ tư lệnh chủ chốt của Mỹ nhằm canh gác khu vực rộng lớn được ví von là từ Hollywood đến Bollywood, từ lãnh địa của gấu Bắc cực đến lãnh địa của chim cánh cụt.
Hãy để ý cách ví von của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ: ông Mattis không nói khơi khơi mà đang nói về giới hạn phạm vi hoạt động của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thay vì nói việc trải dài trục Bắc - Nam từ Bắc cực đến Nam cực thì ông nói từ lãnh địa của gấu Bắc cực đến lãnh địa của chim cánh cụt. Còn giới hạn từ đông sang tây thì ông dùng từ thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Ấn Độ là từ Hollywood đến Bollywood - đó không chỉ là kết nối 2 nền điện ảnh hàng đầu mà là kết nối giữa hai nền quân sự lớn có chung một mối lo: Trung Quốc.
Theo CNN, Mỹ gần đây đã tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong một loạt các lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác quốc phòng. Cả Washington và New Delhi đều cảm thấy lo ngại sau khi chứng kiến quân đội Trung Quốc ngày càng hoạt động táo bạo. Đã đến lúc họ thấy cần tìm đến nhau.
Về cơ bản, phạm vi hoạt động của Bộ tư lệnh Ấn Độ dương - Thái Bình dương cũng giống như Bộ tư lệnh Thái Bình Dương trước đây. Đây sẽ là Bộ tư lệnh chỉ huy hạm đội 3 và hạm đội 7 cùng các lực lượng không quân, tàu nổi, tàu ngầm của hải quân Thái Bình Dương. Cũng lưu ý rằng riêng phạm vi hoạt động của hạm đội 7 đã từ đường đổi ngày đến kinh tuyến qua cực tây của Ấn Độ.
Tên cũ Bộ tư lệnh Thái Bình dương chưa thể hiện hết mối quan tâm của Mỹ đối với các vùng biển ở Ấn Độ dương mà mang tính chất chỉ quan tâm khu vực Thái Bình Dương. Còn giờ với tên Bộ tư lệnh Ấn Độ dương - Thái Bình dương thì tính chính danh rất rõ ràng: Mỹ đặt mối quan tâm đến những diễn biến ở Ấn Độ Dương và đặc biệt là sự giao thương từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.
Dĩ nhiên ai cũng hiểu Biển Đông chính là huyết mạch giao thông tấp nập giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cách đặt tên Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã đưa Biển Đông vào trung tâm và là cách Mỹ khẳng định mối quan tâm đến khu vực này.
Theo CNN, việc đổi tên Bộ tư lệnh xuất hiện sau khi Trung Quốc có những hoạt động leo thang ở Biển Đông. Các quan chức Mỹ cho biết sự thay đổi tên này thể hiện tốt hơn phạm vi phụ trách của Bộ tư lệnh trên khu vực có sự hiện diện của 36 quốc gia ở cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ chỉ huy Hạm đội 3 và Hạm đội 7
Cùng với việc đổi tên, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ có chỉ huy mới là Đô đốc Phillip Davidson còn Tư lệnh cũ Harry Harris đã chuyển sang làm đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Ông Davidson là người có quan điểm cứng rắn trước các động thái leo thang của Trung Quốc và rất quan tâm đến tình hình Biển Đông. Trong báo cáo gửi cho Ủy ban quân vụ của Thượng viện Mỹ hồi tháng 4, Davidson cho biết việc đẩy mạnh phát triển các cơ sở quân sự của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp nóng trên biển dường như đã hoàn tất.
"Điều duy nhất còn thiếu là triển khai các lực lượng. Một khi hoàn tất, Trung Quốc có thể mở sẽ rộng ảnh hưởng sức mạnh quân sự hàng ngàn dặm về phía nam", Davidson viết. "Tóm lại, Trung Quốc giờ đây có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống có chiến tranh với Mỹ".
Việc ông Davidson được chọn làm Chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phần nào phản ánh rõ thái độ của nước Mỹ trước những hành động của Trung Quốc thời gian qua.
Như vậy, có thể coi việc đổi tên Bộ Tư lệnh như đòn cảnh báo tiếp theo của Mỹ với Trung Quốc trong một thời gian ngắn sau khi Trung Quốc có những hành vi leo thang như lắp đặt hệ thống làm nhiễu tín hiệu, triển khai tên lửa trên một số cơ sở ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) hay hạ cánh máy bay ném bom H-K6 lên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) . Trước đó, Mỹ đã loại Trung Quốc khỏi RIMPAC và sau đó điều 2 tàu chiến tới vùng biển Hoàng Sa thách thức các tuyên bố phi lý của Bắc Kinh.
Anh Tú