Việc chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chuộng dùng điện hạt nhân hơn năng lượng tái tạo đã giúp tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong ngành điện mặt trời ở Mỹ, theo báo Korea Times ngày 12.1.
Cũng vì thị trường điện mặt trời trong nước bị thu nhỏ, các công ty Hàn Quốc bắt đầu chuyển sự quan tâm sang các thị trường Bắc Mỹ.
Ngày 11.1, sau khi Hanwha Solutions đã tuyên bố đầu tư 2,5 tỉ USD vào việc xây phức hợp sản xuất quang điện lớn nhất Bắc Mỹ ở bang Georgia, Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh kế hoạch của công ty Hàn Quốc, mô tả đó là quả đầu tư quang điện lớn nhất trong lịch sử Mỹ, và là “vụ làm ăn lớn” cho các gia đình lao động ở Georgia, cũng như cho nền kinh tế Mỹ.
Ông Biden cho rằng sự đầu tư này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm lãnh lương “ngon” ở Georgia, nơi mà nhiều người dân sẽ không phải đạt tiêu chuẩn có trình độ đại học. Thư ký Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, cuộc đầu tư của Hanwha sẽ tạo ra 2.500 việc làm ở bang miền đông nam nước Mỹ.
Từ việc Hanwha nói việc mở rộng đầu tư sang Mỹ nhằm tuân thủ Luật chống Lạm phát của Mỹ, ông Biden cũng nhấn mạnh cuộc đầu tư của công ty này là kết quả trực tiếp trong kế hoạch kinh tế của ông: “Dưới quyền lãnh đạo của tôi, nước Mỹ có thể và sẽ lại dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất”.
Trong khi đó, ngành điện mặt trời Hàn Quốc không có được sự tăng số việc làm trong tương lai gần, do Tổng giám đốc nhánh Hanwha Solutions Q Cells, ông Lee Koo-yung loại trừ khả năng công ty ông đầu tư lớn vào thị trường trong nước trong 2 năm tới, với lý do nguồn cầu năng lượng tái tạo trong nước bị co nhỏ.
Ông nói: “Nhu cầu trong nước sử dụng điện mặt trời sẽ tăng trưởng mạnh vào dịp nào đó, nhưng xem ra không phải trong năm nay hoặc năm tới”.
Tuyên bố này được hiểu là sự nghi ngờ vào việc phục hồi ngành quang điện Hàn Quốc dưới thời Chính phủ Yoon. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Yoon cam kết dùng điện hạt nhân để kích cầu đầu tư vào ngành này, và còn để phục hồi vị thế của Hàn Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về lò phản ứng an toàn.
Sự ủng hộ năng lượng hạt nhân của chính phủ Yoon khác thời tiền nhiệm Moon Jae-in vốn muốn loại bỏ nguồn năng lượng này. Năm 2022, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) của ông Yoon đã lập một ủy ban đặc biệt để điều tra những bất thường của các công ty tham gia ngành điện mặt trời.
Chính phủ Moon đã tìm cách giảm thiểu vai trò của điện hạt nhân, sau khi xảy ra vụ rò rỉ phóng xạ ở nhà máy Fukushima (Nhật Bản) khiến toàn cầu không coi trọng việc sử dụng điện hạt nhân.
Tuy nhiên, quan điểm không ủng hộ điện mặt trời của chính phủ Yoon đã gây ra những lo ngại.
“Trừ phi chính phủ thay đổi quan điểm chính trị về năng lượng tái tạo, hệ sinh thái điện mặt trời và các công ty trong nước trong ngành này sẽ sụp đổ”, là phát biểu của Hong Sung-min, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Hàn Quốc (KOPIA).
Đảng Dân chủ đối lập cũng chỉ trích chủ trương dùng điện hạt nhân của Chính phủ Yoon, tuyên bố chính sách này gây hại cho các công ty Hàn Quốc sở hữu những công nghệ hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo.