Tại hội nghị thượng đỉnh NATO đang diễn ra, Mỹ - Đức thông báo tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ bắt đầu được triển khai tại Đức từ năm 2026.
Thông báo chung giữa hai nước nêu rõ quá trình triển khai diễn ra theo từng đợt, nhằm chuẩn bị cho tên lửa như SM-6, Tomahawk đồn trú lâu dài ở châu Âu cũng như cho nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh tầm xa. Đây là số vũ khí uy lực nhất mà Mỹ từng triển khai đến lục địa già kể từ Chiến tranh Lạnh - một thông điệp cảnh báo rõ ràng với Nga.
SM-6 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn 2 tầng có tầm bắn tối đa 400km, mang đầu đạn nổ phân mảnh 64kg đủ sức tiêu diệt mọi mục tiêu bay kể cả tên lửa đạn đạo. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường kết hợp giữa radar chủ động, quán tính với ảnh hồng ngoại nên rất nhạy với mục tiêu nằm ở tầng ngoại vi khí quyển Trái đất, khó bị gây nhiễu và hoạt động tốt trong môi trường phức tạp.
Còn Tomahawk là tên lửa hành trình có tầm bắn lên đến 1.500km, mang được cả đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân. Tên lửa sử dụng công nghệ dẫn đường bằng GPS, radar chủ động, dẫn đường quán tính và dẫn đường dựa trên đường viền địa hình.
Động thái trên bị cấm theo Hiệp ước về vũ khí tầm trung và tầm ngắn (INF) được Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1987. Tuy nhiên hiệp ước đã bị đình chỉ vào năm 2019.
Trước thông báo chung Mỹ - Đức, NATO tại hội nghị cũng công bố kế hoạch cung cấp ít nhất 40 tỉ euro (43,28 tỉ USD) viện trợ cho Ukraine trong năm tới. Mỹ cùng Ý, Đức, Hà Lan, Romania cam kết chuyển giao thêm 5 hệ thống phòng không.
Đặc biệt không chỉ thảo luận viện trợ Ukraine, NATO còn lần đầu tiên xác định Trung Quốc là “nhân tố quyết định” đối với cuộc chiến mà Nga phát động, đem lại thách thức mang tính hệ thống cho an ninh châu Âu - Đại Tây Dương. Khối kêu gọi quốc gia châu Á ngừng hỗ trợ Nga về vật chất lẫn chính trị.
Về vấn đề kết nạp Ukraine, NATO tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Kyiv trên con đường hội nhập hoàn toàn vào khu vực châu Âu - Đại Tây Dương gồm cả tư cách thành viên NATO. Tuyên bố này không còn gây tranh cãi trong nội bộ khối như trước.