Trung Nam Hải đã xác định được cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Mỹ, từ đó tìm ra cách hóa giải những biện pháp của Washington trong việc giải quyết xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ - Trung Quốc và trò ngoại giao tên lửa trên bán đảo Triều Tiên

10/06/2017, 09:57

Trung Nam Hải đã xác định được cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Mỹ, từ đó tìm ra cách hóa giải những biện pháp của Washington trong việc giải quyết xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Bắc Kinh đã tìm được cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump

Đã qua 60 ngày chính sách “ngoại giao tên lửa hành trình” của Tổng thống Donald Trump được áp dụng, khi 59 quả tên lửa Tomahawk được phóng vào Syria trong lúc người đứng đầu Nhà Trắng đang đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng với việc trừng phạt Syria, cảnh cáo Iran và nắn gân Nga, những quả tên lửa Tomahawk của Mỹ trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hoá học tại Idlip đã gửi lời cảnh báo tới vị quốc khách bằng một thông điệp mạnh mẽ và dứt khoát trong vấn đề “hạt nhân Triều Tiên”.

Song thực tế cho thấy với việc áp dụng kiểu “ngoại giao tên lửa hành trình”, Tổng thống Donald Trump đã tặng món quà tuyệt vời cho Chủ tịch Tập Cận Bình, mà trước chuyến công du của nhà lãnh đạo này tới xứ cờ hoa, người Trung Quốc có mơ cũng không thấy.

Bắc Kinh được rất nhiều từ món quà này, trong đó đặc biệt là Trung Nam Hải đã bắt bài được chính quyền Donald Trump, xác định được cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Mỹ. Từ đó Bắc Kinh tìm ra cách hoá giải những biện pháp của Washington trong việc giải quyết xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Nam Hải khiến người Mỹ ngày càng bị động trong nước cờ hạt nhân Triều Tiên

Không thể phủ nhận quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mang tính cộng sinh, nên mọi hành động của chính quyền Donald Trump mà gây thiệt hại cho đối phương thì ngay tức khắc nước Mỹ cũng sẽ lãnh hậu hoạ.

Khi Triều Tiên chuẩn bị tổ chức “Ngày Thái Dương”, mà dự báo là sẽ được chào mừng bằng việc Bình Nhưỡng cho phóng thử tên lửa đạo đạo lần thứ 5 trong năm 2017, tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á căng thẳng đến tột độ.

Washington tuyên bố sự “kiên nhẫn chiến lược” đối với thái độ ngông nghênh của Kim Jong-un đã hết và tất cả các biện pháp trừng phạt, kể cả bằng quân sự, đều có thể được áp dụng nếu Bình Nhưỡng vượt qua giới hạn đỏ của Washington.

Tàu sân bay của Mỹ được kéo vào vùng biển Nhật Bản và ngày càng gần với bán đảo Triều Tiên. Những quả tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ được cho là sẽ “bay vào Triều Tiên”, vấn đề chỉ còn là thời gian và giờ G thì cứ như đang đếm ngược.

Vậy nhưng, chỉ 24 tiếng sau “Ngày Thái Dương” trôi qua yên ả, Kim Jong-un đã ra lệnh phóng thử tên lửa lần thứ 5 và bị xịt. Hành động đó được cho là lựa chọn khôn ngoan của Kim Jong-un khi vừa thách thức được Donald Trump, vừa tránh được đòn trừng phạt của Mỹ.

Bình Nhưỡng liên tục làm mờ giới hạn đỏ của Washington

Vấn đề “vũ khí hạt nhân và tên lửa Tiều Tiên” cứ ngày một tăng nhiệt, bởi sau mỗi hành động của Kim Jong-un là hàng loạt những tuyên bố cứng rắn cảnh báo trừng phạt Bình Nhưỡng được phát đi từ Washington.

Bình Nhưỡng dường như không nao núng và lần phóng thử tên lửa thứ 6, thứ 7, thứ 8, thứ 9 của Triều Tiên được lần lượt được thực hiện và cũng không còn bị xịt nữa. Đặc biệt, theo thông tin mới nhất thì ngày 8.6, việc phóng thử tên lửa lần thứ 10 của Triều Tiên cũng đã diễn ra.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho hay, có tới 4 quả tên lửa đối hạm đã được Bình Nhưỡng phóng đi từ vùng lân cận Wonsan, tỉnh Gangwon. Tên lửa bay được chặng đường khoảng 200km thì rơi xuống biển. Có vẻ những giới hạn đỏ của Mỹ đang ngày càng bị Triều Tiên làm cho mờ đi.

Ở phía ngược lại, Mỹ không thể cho “Tomakawk bay vào Triều Tiên”, những quả tên lửa hành trình dần phải đổi hướng, và cuối cùng là được đưa ra khỏi vùng Đông Bắc Á khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson được cho là đã hoàn tất nhiệm vụ tại khu vực này.

Điều đáng chú ý là trong 60 ngày qua, cứ mỗi khi quan hệ Mỹ - Triều tăng nhiệt là mỗi lần có những công cụ làm hạ nhiệt được đưa ra từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho thấy đã gia tăng mức độ răn đe và trừng phạt Bình Nhưỡng, từ việc Air China tạm ngừng các chuyến bay tới Bình Nhưỡng cho đến việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu hàng hoá từ Triều Tiên.

Động thái đó của Trung Nam Hải khiến cho người Mỹ không phải ra tay, song nó lại đồng thời làm cho kế hoạch hành động của Washington trong việc giải quyết vấn đề “hạt nhân Triều Tiên” phải thay đổi liên tục. Bắc Kinh đã dần đưa Washington từ chỗ chủ động trở nên bị động trong “nước cờ hạt nhân Triều Tiên”.

Cuối cùng lại quay về với cơ chế trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Cho dù Washington và Bắc Kinh được cho là có sự thống nhất cao trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng qua cơ chế này, song không thể phủ nhận cho đến lúc này Washington chưa thể có được đối sách rõ ràng với vấn đề “hạt nhân Triều Tiên”.

Bắc Kinh khiến THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc chưa thể hoàn tất

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Hệ thống THAAD của Mỹ lắp đặt tại Hàn Quốc được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ với hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách đến 2.000km – đây là khoảng cách bao phủ phần lớn lục địa Trung Hoa.

Chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hee đã bật đèn xanh cho Washington triển khai hệ thống THAAD tại xứ Nam Hàn. Quyết định này đã bị Bắc Kinh chỉ trích gay gắt và đã có hành động trả đũa bằng kinh tế đối với Hàn Quốc. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.

Không những vậy, Bắc Kinh còn trừng phạt đối với những đơn vị kinh tế Hàn Quốc có hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc. Chỉ riêng tập đoàn Lotte đã bị đóng cửa 87/99 cửa hàng sau khi hệ thống THAAD được triển khai. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cho dừng những dự án xây dựng có nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc.

THAAD đã phải tạm ngừng triển khai

Trước thiệt hại quá lớn đó nên chỉ vài ngày sau khi đắc cử, Tổng thống Moon Jae-in đã cử phái viên đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau chuyến đi của phái viên Hàn Quốc, chính phủ Trung Quốc đã ngừng chặn website của tập đoàn Lotte và rút lại một số biện pháp gây áp lực kinh tế nhằm vào Hàn Quốc. Ngược lại, số phận của THAAD ngày càng trở nên mong manh.

Trước đó, khi tranh cử thì ông Moon Jae-in luôn kêu gọi xem xét lại việc lặp đặt THAAD tại xứ Nam Hàn. Khi đảng Dân chủ lên nắm quyền tại xứ kim chi thì lãnh tụ đảng chính trị này đã kêu xem xét lại thủ tục pháp lý của việc lắp đặt THAAD và nêu khả năng trả lại hệ thống này cho Mỹ.

Theo thông tin mới nhất thì tân Tổng thống Hàn Quốc đã quyết định tạm hoãn kế hoạch triển khai hệ thống THAAD của Mỹ trên lãnh thổ nước này. Động thái này được cho là trong nội bộ Seoul đang có tranh cãi về quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc, Triều Tiên và Mỹ.

Mặc dù không có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền mới của Hàn Quốc đang tìm cách thay đổi mối quan hệ với Mỹ, tuy nhiên quyết định tạm ngừng triển khai THAAD có thể được xem là một “vết gợn” trong mối quan hệ đồng minh gắn bó giữa Washington với Seoul.

Theo giới phân tích, quyết định của Tổng thống Moon Jae-in được xem là một thắng lợi rất có ý nghĩa đối với Bắc Kinh, sau khi nước này thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với kế hoạch triển khai THAAD và sử dụng công cụ lợi ích hoá giải cục diện.

Vậy là sau 60 ngày áp dụng chính sách “ngoại giao tên lửa hành trình”, vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngày càng làm cho Washington mất uy tín, còn THAAD thì khiến Washington mất uy lực. Và cả hai hiệu ứng đó đều được hình thành bởi những ảnh hưởng không nhỏ từ Trung Quốc.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ - Trung Quốc và trò ngoại giao tên lửa trên bán đảo Triều Tiên