Số người chết trong đợt biểu tình phản đối đảo chính đang diễn ra tại Myanmar đã vượt qua con số thương vong hồi biểu tình năm 2007.
Liên Hợp Quốc xác định riêng ngày 3.3 có đến 38 người chết - ngày đẫm máu nhất kể từ lúc xảy ra đảo chính. Quân đội Myanmar vẫn duy trì thái độ cứng rắn bất chấp lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc tế.
Theo đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Myanmar Christine Schraner Burgener, đến nay đã có hơn 50 trường hợp thiệt mạng. Biểu tình năm 2007 ghi nhận 31 người chết.
Bà Burgener chỉ trích quân đội phản ứng thái quá khi sử dụng vũ khí bán tự động. Trang Global New Light of Myanmar thì cho biết chỉ có vũ khí kiểm soát đám đông được dùng đến để giảm tối đa thương vong, trong khi phía lực lượng biểu tình dùng nhiều cách kích động bạo lực.
Tình hình hiện tại chưa leo thang đến mức toàn quốc có hơn 3.000 người chết như năm 1988. Cuộc đảo chính thời điểm đó dẫn đến biểu tình, cướp phá và phá hoại nhà máy, vì vậy quân đội Myanmar nhanh chóng áp đặt thiết quân luật tạo điều kiện cho đàn áp đẫm máu.
Thường trong các đợt biểu tình lâu nay, kế hoạch của quân đội đều là giành quyền kiểm soát, chờ người dân dần quen với tình hình mới rồi trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng bà Burgener đánh giá người dân Myanmar lần này phản ứng rất mạnh mẽ gây bất ngờ cho phía quân đội.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ sớm áp đặt trừng phạt những đối tượng đứng sau hoạt động đàn áp đẫm máu ở Myanmar. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ mới đưa ra tuyên bố chung kêu gọi kiềm chế.