Trang Nikkei của Nhật vừa đăng bài viết của tác giả Tomoya Onishi với nội dung ca ngợi Việt Nam độc lập trong vắc xin, không lệ thuộc Trung Quốc.
Lược dịch nội dung bài viết đánh giá cao Việt Nam độc lập trong vắc xin, không lệ thuộc "ngoại giao vắc xin" của Trung Quốc:
Một công ty dược phẩm Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn hai đối với vắc xin chống COVID-19, một bước quan trọng hướng tới mục tiêu độc lập vắc xin của Hà Nội, thoát khỏi chính sách vắc xin Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực hiện giờ.
Nếu các thử nghiệm thành công, vắc xin Nano Covax của Nanogen Pharmaceutical Biotechnology dự kiến sẽ được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp vào đầu tháng 5. Việc triển khai nhanh chóng là rất quan trọng đối với Việt Nam, quốc gia không muốn bị cuốn vào chính sách "ngoại giao vắc xin" của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Tại cuộc họp ngày 15.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất trong nước khi cam kết sự hỗ trợ của Chính phủ để triển khai thành công vắc xin "sản xuất tại Việt Nam".
Nanogen, một công ty có trụ sở tại TP.HCM được thành lập vào năm 1997, có kế hoạch triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 vào tháng 5, với việc tiêm vắc-xin cho từ 10.000 đến 30.000 người để kiểm tra tính hiệu quả và an toàn.
Phối hợp với Học viện Quân y Việt Nam, Nanogen đang nghiên cứu Nano Covax dựa trên protein được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp DNA ở tế bào động vật. Nhóm nghiên cứu này là một trong 4 nhóm đang chạy đua với thời gian để phát triển vắc-xin “cây nhà lá vườn” tại Việt Nam.
Chính phủ đang xem xét phê duyệt nhanh Nano Covax như một biện pháp khẩn cấp, nếu hiệu quả được thể hiện trong các thử nghiệm Giai đoạn 2. Việc tiêm chủng sẽ thực hiện cho những lao động thiết yếu như nhân viên chăm sóc sức khỏe và nhân viên sân bay.
Một lãnh đạo ở Nanogen nói với Nikkei: Nếu chính phủ đưa ra quyết định khẩn cấp, Nano Covax có thể được tung ra vào tháng 5.
Nanogen đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm đầu tiên với Nano Covax vào tháng 12. Theo các cơ quan y tế, chỉ một phần nhỏ trong số 60 tình nguyện viên cho thấy các phản ứng phụ, chẳng hạn như đau tại vị trí tiêm và sốt.
Theo báo cáo của chính phủ Nhật Bản, vào tháng 3.2020, ngành công nghiệp dược phẩm của Việt Nam chủ yếu gồm các nhà sản xuất dược liệu. Do vậy, có sự cảnh giác đối với sự an toàn của vắc xin coronavirus, nhất là khi chúng được phát triển trong một thời gian ngắn chưa từng có.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tập trung vào vắc xin sản xuất trong nước và điều này sẽ giúp Việt Nam không rơi vào lệ thuộc chính sách vắc xin của Trung Quốc.
Vào lúc này, Bắc Kinh đang ra sức thúc đẩy vắc xin Sinovac Biotech của họ ở Đông Nam Á. Hồi tháng 1, Trung Quốc cử Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến thăm các nước như Myanmar và Philippines và sử dụng quân bài vắc xin nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Indonesia, Lào và Campuchia đã bắt đầu tiêm chủng vắc xin của Trung Quốc.
Một nguồn tin ngoại giao cho biết, Việt Nam phải mua vắc xin từ một nơi khác ngoài Trung Quốc không phải chỉ vì sự an toàn.
Việt Nam được ca ngợi vì đã xử lý sớm dịch coronavirus và giữ tỷ lệ số ca nhiễm cũng như tử vong thuộc loại thấp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, thành công trong việc làm chậm sự lây lan lại làm ảnh hưởng đến khả năng Việt Nam tìm nguồn cung vắc xin (ý là quốc tế cho rằng Việt Nam chưa phải điểm nóng để triển khai vắc xin). Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ nhận được hơn 100.000 liều vắc-xin AstraZeneca.