5 điểm nghẽn này được Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận là yếu tố cản trở tăng trưởng toàn ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam

Năm điểm nghẽn khiến công nghiệp Việt Nam 'chậm lớn'

tuyetnhung | 31/05/2017, 19:26

5 điểm nghẽn này được Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận là yếu tố cản trở tăng trưởng toàn ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo "Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam 2017-2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững" ngày 31.5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã thẳng thắn chỉ ra 5 điểm nghẽn lớn, khiến tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam chậm và chưa thực sự bền vững.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo

Thứ nhất, Thứ trưởng cho biết tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Theo đó, đóng góp của công nghệ đối với toàn nền kinh tế chỉ đạt 29%, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực ở cùng giai đoạn như: Ấn Độ (49%), Thái Lan và Philippine (70%), Malaysia (64%), Indonessia (37%) hay Trung Quốc (39%).

Thứ hai, một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Việt Nam chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, đặc biệt là đối với các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như dệt may, da giày, điện tử, hóa chất...

Đây là các khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong những khâu này tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%. Chính vì vậy, công nghiệp Việt Nam đạt thành tích lớn về quy mô xuất khẩu, nhưng thực chất giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.

Thứ ba, công nghiệp là ngành liên tục nhập siêu. Điều này cho thấy ngành công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Năm 2015, tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử gia dụng là 30-35%; Điện tử tin học, viễn thông là 15%; Điện tử chuyên dụng là 5%; Ô tô - xe máy là 40%; Công nghiệp công nghệ cao là 5%; Dệt may là 40%; da giày là 40 - 45%...

Thứ tư, một số ngành công nghiệp trọng điểm do các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo có hiệu quả hoạt động còn chưa cao, trong khi quá trình tái cơ cấu các DNNN diễn ra còn chậm và chưa thực chất dẫn đến vai trò kinh doanh trực tiếp của Nhà nước vẫn còn lớn so với thông lệ quốc tế trong nhiều ngành, lĩnh vực. Điều nàyđã tạo ra môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp.

Cuối cùng, đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; các doanh nghiệp công nghiệp nội địa quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh nhìn chung còn thấp; phân bố không gian của các ngành công nghiệp chưa hiệu quả, vấn đề ô nhiễm môi trường còn tồn tại...

Gây tổn thương lớn tới năng suất lao động

Chính những điểm nghẽn trên là tiền đề, hệ quả khiến năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị bỏ xa so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần.

So với các nước đang phát triển trong khu vực thì Malaysia cao gấp 6,5 lần, Thái Lan và Phillipines cao gấp 1,5 lần. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015.

Trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm của giai đoạn 2006 - 2010 giảm xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

"Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo bình quân đầu người. Đây là những vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa", Thứ trưởng lo ngại

Nhận thức được những điểm nghẽn gây cản trở trong tăng trưởng công nghiệp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết Bộ Công Thương hiện đã xây dựng xong Dự thảo về “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020” và hiện đang trong giai đoạn lấy ý kiến từ các bên liên quan.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm điểm nghẽn khiến công nghiệp Việt Nam 'chậm lớn'