Vùng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế về tôm sạch ở Cà Mau đã mang lại nhiều lợi ích. Mô hình này vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa tạo được chuỗi liên kết và cải thiện đời sống cho người nuôi tôm.

Nâng giá trị tôm rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế

Trần Khải | 10/11/2023, 12:46

Vùng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế về tôm sạch ở Cà Mau đã mang lại nhiều lợi ích. Mô hình này vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa tạo được chuỗi liên kết và cải thiện đời sống cho người nuôi tôm.

Xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển là địa phương có diện tích nuôi tôm rừng lớn nhất tỉnh Cà Mau đạt tiêu chuẩn quốc tế. Toàn xã có 1.168 hộ, với 5.868ha nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP… về tôm sạch. Địa phương này luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường nuôi tôm dưới tán rừng, qua đó thức chấp hành của người dân rất tốt, không có tình trạng nuôi tôm công nghiệp làm ảnh hưởng đến vùng nuôi.

4(1).jpg
Một rừng ngập mặn ở xã Viên An Đông

Ông Trần Minh Trí ngụ ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông cho biết gia đình ông có khoảng 15ha diện tích nuôi tôm rừng theo tiêu chuẩn tôm sạch. Đều đặn mỗi tháng ông có thu nhập hơn 50 triệu đồng từ bán tôm. “Giờ xổ vuông khỏe lắm, đến con nước xổ là có thương lái đến tận nhà thu mua và trả tiền qua tài khoản ngân hàng. Trung bình, mỗi con nước tôi bán tôm được khoảng 30 triệu (mỗi tháng có 2 con nước), có thời điểm thu hoạch hơn 100 triệu đồng/con nước”, ông Trí chia sẻ.

Theo ông Trí, để được tham gia vào vùng nuôi tôm sạch, người nuôi phải đạt được các điều kiện từ phía doanh nghiệp thu mua đưa ra như: không được nuôi gia súc, gia cầm thải bẩn ra môi trường; không được sử dụng chất kháng sinh, thuốc hóa học; ghi chép nhật ký quá trình nuôi... “Để bán được giá cao con tôm phải đạt các tiêu chuẩn sạch theo quy định của châu Âu. Tôm sạch ở Viên An Đông hiện nay đã đạt được chuẩn quốc tế, nên có giá trị rất cao”, ông Trí cho biết.

2(1).jpg
Ông Trần Minh Trí, ấp Tắc Biển, xã Viên An Đông kiểm tra cống xổ vuông tôm

Ngoài ra, ông Trí đã cùng người dân trong vùng nuôi phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường để vùng nuôi tôm sinh thái được an toàn tuyệt đối.

Lợi ích từ mô hình nuôi tôm đạt chuẩn quốc tế đã được chính quyền địa phương công nhận. Tuy nhiên, điều mà người dân băn khoăn là hiện nay ở các địa bàn giáp ranh giữa các xã, thị trấn tại huyện Ngọc Hiển chưa quy hoạch vùng nuôi thật sự hiệu quả. Điều này, khiến cho môi trường vùng nuôi tôm sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng. “Cùng một con kênh, rạch nhưng một bên là xã Viên An Đông thuộc vùng nuôi tôm sạch đạt chuẩn quốc tế, còn một bên là thị trấn Rạch Gốc được phép nuôi tôm công nghiệp. Điều này là mối đe dọa đối với vùng nuôi của chúng tôi. Việc xả thải ra sông rạch sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước”, một hộ dân cho biết.

Ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Đông cho biết: “Nuôi tôm dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã mang lại năng suất, lợi nhuận rất cao cho người nuôi. Địa phương luôn tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn, kết hợp tuyên truyền cho người dân hiểu nhằm giữ vững môi trường trong lành vùng nuôi tôm sinh thái. Từ khi vùng nuôi tôm rừng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế thì đời sống của người dân không ngừng được cải thiện”.

3(1).jpg
Ông Trí kiểm tra nước trong vuông tôm

Theo Chủ tịch UBND xã Viên An Đông, mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được công nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế từ năm 2017. Từ đó, đến nay, mô hình này đã trợ lực cho địa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới.

“Khâu bảo vệ môi trường đã giúp ích cho địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tiêu chuẩn của mô hình nuôi tôm sạch có quy định, người nuôi phải đảm bảo các điều kiện về chôn lấp rác thải, nuôi động vật phải nhốt chuồng và xử lý chất thải, ghi nhật ký vụ mùa, những chế phẩm sử dụng phải nằm trong các danh mục cho phép… phù hợp với tiêu chuẩn quy định về xây dựng nông thôn mới. Tuyệt đối không được xả chất thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng vùng tôm nuôi của người dân”, ông Hảo cho hay.

Theo ông Hảo, ngoài việc thực hiện bảo vệ môi trường nuôi lành mạnh, không bị ô nhiễm, người nuôi tôm còn được hỗ trợ nhiều về kỹ thuật, tập huấn và được chi trả dịch vụ môi trường rừng với 500.000 đồng/ha/năm. “Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được phía thu mua hỗ trợ người dân bằng 2 hình thức là con giống hoặc bằng tiền. Mô hình còn có sự liên kết sản xuất từ khâu đầu vào, đến đầu ra đã giúp người dân an tâm sản xuất. Con giống thả nuôi phải đạt chất lượng. Giá thương lái thu mua tôm trong vùng nuôi cao hơn thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Tất cả việc chi trả đều được doanh nghiệp thanh toán qua tài khoản của ngân hàng”, ông Hảo cho biết thêm.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú cho biết, căn cứ quy định hữu cơ của châu Âu (EC 2018/848, tiêu chuẩn EU Organic) sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 thì tiêu chuẩn này sẽ không cho phép chứng nhận nhóm nông dân được thực hiện dưới sự quản lý trực tiếp của đơn vị xuất khẩu, chế biến, thương mại… mà tiến hành đánh giá chứng nhận nhóm nông dân độc lập và có tư cách pháp nhân.

1.jpg
Mô hình nuôi tôm rừng theo tiêu chuẩn quốc tế mang hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: camau.gov.vn

“Xã Viên An Đông là xã trọng điểm làm chứng nhận tôm rừng hữu cơ châu Âu. Kết quả năm 2022 và tái đánh giá hồi tháng 9.2023, xã có 521 hộ dân với diện tích 2.436ha đạt chứng nhận EU Organic. Các hộ dân thuộc 9 ấp trên địa bàn xã được tổ chức thành 17 hợp tác xã (HTX)”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, theo quy định của Việt Nam, bên cạnh 4 loại hình doanh nghiệp thì HTX là tổ chức có tư cách pháp nhân, đại diện nhóm nông dân. Tuy nhiên, việc vận động, tổ chức, góp vốn và vận hành hiệu quả HTX có số lượng hộ dân lớn và thực hiện chứng nhận quốc tế trong nuôi tôm rừng đối với một doanh nghiệp là điều rất khó khăn. Vì vậy, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng giá trị tôm rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế