Năng lượng tái tạo đã tạo ra nhiều điện hơn so với nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu lần đầu tiên vào năm ngoái.
Theo một báo cáo được công bố hôm nay, năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống 37% trong khi các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng lên 38% vào năm 2020. Điều này có nghĩa là năng lượng sạch đã vượt qua các nguồn như khí đốt và than đá ở EU.
Dave Jones, nhà phân tích điện cao cấp tại công ty Ember, đồng thời là tác giả chính của báo cáo, giải thích: “Thật đáng tuyên dương khi châu Âu đã đạt đến cột mốc quan trọng này trong một thập kỷ hành động vì khí hậu toàn cầu".
"Châu Âu đang dựa vào gió và năng lượng mặt trời để đảm bảo không chỉ loại bỏ được than đá vào năm 2030 mà còn loại bỏ dần việc sản xuất khí đốt, thay thế các nhà máy điện hạt nhân đang đóng cửa và để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng từ ô tô điện, máy bơm nhiệt và máy điện phân".
Đan Mạch có tỷ lệ năng lượng gió và mặt trời cao nhất với 61%, tiếp theo đó là Ireland (35%), Đức (33%) và Tây Ban Nha (29%). Nhìn chung, điện từ năng lượng sạch của châu Âu đã tăng 29% vào năm 2020 so với năm 2015.
Mặc dù đây là một khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng báo cáo nói rằng sự gia tăng năng lượng tái tạo vẫn còn quá chậm để đạt được các mục tiêu khí hậu năm 2030. EU đã cam kết sẽ giảm hơn một nửa lượng khí thải trong vòng một thập kỷ tới.
CUNG CẤP ĐIỆN TỪ GIÓ VÀ NƯỚC
Sự gia tăng của năng lượng tái tạo đã được thúc đẩy đáng kể nhờ việc tăng cường sử dụng năng lượng gió và mặt trời. Cả hai cùng nhau tạo ra một phần năm lượng điện của châu Âu vào năm ngoái.
Than giảm 1/5 trong năm 2020 và giảm một nửa kể từ năm 2015. Khí đốt, thứ mà Giám đốc Ngân hàng Đầu tư Châu Âu gần đây tuyên bố sẽ "chấm dứt", chỉ giảm 4%.
Tin tức được đưa ra sau khi năng lượng mặt trời được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gọi là “loại điện rẻ nhất trong lịch sử” vào tháng 10. Công nghệ này hiện nay đã ít tốn kém hơn so với than và khí đốt ở hầu hết các nước lớn.
Tuy nhiên, tổ chức liên chính phủ cảnh báo rằng còn quá sớm để nói rằng nhiên liệu hóa thạch đã hết thời.
Tiến sĩ Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA cho biết: “Kỷ nguyên tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ kết thúc trong thập kỷ tới. Nhưng nếu không có sự thay đổi lớn trong các chính sách của chính phủ, sẽ không có dấu hiệu cho thấy có sự suy giảm nhanh chóng nhu cầu dầu".
Ông nói thêm rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch có thể đẩy mạnh nhu cầu dùng nhiên liệu hóa thạch trở lại như trước thời kỳ tiền COVID-19, khiến lượng khí thải tăng một lần nữa.
"Các chính phủ cần có năng lực và trách nhiệm nhằm thực hiện các hành động mang tính quyết định để thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và thúc đẩy thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu đã đề ra, trong đó có mục tiêu trung lập carbon".