Theo NATO, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng một vai trò lớn trong các cuộc tấn công mạng và chứng tỏ nó vừa là “con dao hai lưỡi” vừa là “thách thức lớn”.

NATO làm gì để chống lại các cuộc tấn công mạng bằng trí tuệ nhân tạo

Hoàng Vũ | 27/12/2022, 13:01

Theo NATO, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng một vai trò lớn trong các cuộc tấn công mạng và chứng tỏ nó vừa là “con dao hai lưỡi” vừa là “thách thức lớn”.

“Trí thông minh nhân tạo hỗ trợ quét mạng tự động và giúp chống lại các cuộc tấn công thay vì thực hiện thủ công. Nhưng ngược lại, đó là cũng là con dao hai lưỡi”, David van Weel, Trợ lý Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về các thách thức an ninh mới nổi, nói với các phóng viên hồi đầu tháng này.

Các cuộc tấn công mạng, cả vào cơ sở hạ tầng quốc gia và các công ty tư nhân, đã gia tăng theo cấp số nhân và trở thành tâm điểm kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine.

773x435_cmsv2_d2b7b49e-7f0d-5c04-ba87-3bfb23d18dd1-7270138.jpg
Tấn công mạng bằng trí tuệ nhân tạo đang là mối lo hàng đầu của NATO - Ảnh: EN

NATO cho biết, một cuộc tấn công mạng vào bất kỳ quốc gia thành viên nào có thể kích hoạt Điều 5, đồng nghĩa với việc NATO coi đó là một cuộc tấn công vào tất cả và có thể gây ra phản ứng tập thể.

Các công cụ dựa trên AI có thể được sử dụng để phát hiện và bảo vệ tốt hơn trước các mối đe dọa, nhưng mặt khác, tội phạm mạng có thể sử dụng công nghệ này cho các cuộc tấn công nhỏ lẻ cùng một lúc, khó chống lại hơn.

Trợ lý Tổng thư ký NATO Van Weel cho biết, AI có thể được sử dụng để cố gắng đột nhập vào hệ thống mạng bằng thuật toán và bẻ khóa hệ thống.

“Việc giải quyết các mối lo về AI là một thách thức lớn. Tất nhiên, chúng tôi luôn muốn trở thành những người sử dụng AI có đạo đức. AI sẽ được NATO sử dụng để phòng thủ nhưng chúng tôi không thể đảm bảo rằng đối thủ của chúng tôi, những người đang cố gắng đột nhập, đang sử dụng AI một cách có đạo đức”, ông Van Weel nói.

Cách bảo vệ nhằm chống lại các cuộc tấn công mạng bằng AI là những gì đang được thử nghiệm ở thủ đô Tallinn của Estonia. Đầu tháng này, các chỉ huy quân đội từ hơn 30 quốc gia (không phải tất cả đều là thành viên NATO) đã tụ họp tại Estonia để kiểm tra các kỹ năng về cách phối hợp cùng đồng minh bảo vệ đất nước trước cuộc tấn công mạng bằng AI.

“Chúng tôi đưa ra các thử nghiệm AI cho cộng đồng vận hành để đảm bảo rằng những gì chúng tôi cố gắng phát triển từ góc độ kỹ thuật thực sự phục vụ người vận hành”, quan chức an ninh mạng của NATO, ông Bernd Hansen nói.

Theo Candace Sanchez, quan chức chính sách hàng đầu của Mỹ, tấn công mạng bằng AI “chắc chắn là một vấn đề nghiêm trọng”. “Sẽ mất một thời gian để thực sự cố gắng chống lại mối đe dọa đó. Vì vậy, hợp tác cùng nhau sẽ giúp chúng ta tiến lên”, bà Sanchez cho hay.

Alberto Domingo, Giám đốc kỹ thuật không gian mạng tại NATO cho biết, các cuộc tấn công mạng bằng AI có thể được sử dụng không chỉ để đóng cửa cơ sở hạ tầng mà còn để khai thác thông tin.

“Tôi nghĩ AI là một mối đe dọa nghiêm trọng. Số lượng các cuộc tấn công đang tăng lên theo cấp số nhân mọi lúc. Hiện tại, thế giới chỉ đơn giản là sống chung với những cuộc tấn công này và cần nhiều quy tắc an ninh mạng hơn… Điều đó cho thấy rằng chúng ta vẫn chưa có cách tiếp cận chung để phản ứng với những đe dọa này”, Domingo nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
32 phút trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NATO làm gì để chống lại các cuộc tấn công mạng bằng trí tuệ nhân tạo