Loại này có thể bảo vệ tốt cho người mang, ngăn ngừa lây nhiễm vi rút qua tiếp xúc trực tiếp lẫn qua không khí.

Nên nghiên cứu loại 'mũ có mặt nạ kèm khẩu trang' 3 trong 1

18/08/2021, 11:00

Loại này có thể bảo vệ tốt cho người mang, ngăn ngừa lây nhiễm vi rút qua tiếp xúc trực tiếp lẫn qua không khí.

Khẩu hiệu hiện nay là “Chống dịch như chống giặc”. Ông cha ta có câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thực ra, “giặc” SARS-CoV-2 tồn tại trong chính cơ thể con người. Và dịch bệnh lây lan không phải do "con" vi rút chủ động đi chuyển từ người này sang người khác, mà do hành vi sống và giao tiếp xã hội của chúng ta. Vì vậy, chống dịch thực ra là điều chỉnh hành vi giao tiếp xã hội, để vi rút không có cơ hội lây lan.

Vi rút từ người nhiễm có thể lây qua người lành khi tiếp xúc trong nhà, tại khu dân cư, nơi công cộng... Ở mỗi một môi trường như vậy cần có biện pháp chống dịch phù hợp.

Đầu tiên là cần phát hiện được càng nhiều người nhiễm mới trong cộng đồng càng tốt. Cần phát hiện được người mang vi rút trong cộng đồng trước khi vi rút kịp lây sang người khác. Công việc này được thực hiện bằng các kỹ thuật gien. Khó khăn chính là ở khâu lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức xét nghiệm quy mô mẫu rất lớn trong một thời gian rất ngắn. May mắn là chúng ta đang sở hữu một bí quyết kỹ thuật, giúp khắc phục khó khăn này.

Kỹ thuật “PCR siêu nhạy” do TS-BS Hồ Hữu Thọ phát triển hứa hẹn là một công cụ đặc sắc của Việt Nam, để có thể thực hiện xét nghiệm trên quy mô lớn trong cộng đồng trong thời gian rất ngắn. Nhóm chuyên gia gồm TS Hồ Hữu Thọ, TS Nguyễn Đức Thái và PGS-TS Nguyễn Đức Hoàng đang tích cực đưa kỹ thuật này vào chống dịch tại TP.HCM và một số địa phương trong nước.

Một khâu quan trọng hỗ trợ cho kỹ thuật này là lấy mẫu nghiệm. Cần cho phép người dân tự lấy mẫu nghiệm tại nhà. Ngành y tế nên có hướng dẫn quy trình kỹ thuật thật cụ thể và dễ áp dụng, để dân thực hiện. Bằng cách này, có thể triển khai xét nghiệm trên quy mô rộng lớn cấp tỉnh, thành phố, phát hiện hầu hết ca nhiễm mới trong một thời gian rất ngắn, nhanh chóng chấm dứt chuỗi lây nhiễm.

Phòng chống lây nhiễm tại nơi ở

Nhà riêng hay căn hộ chung cư đủ điều kiện vệ sinh, thông thoáng khí, có khu vực sinh hoạt riêng... thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất thấp. Đối với căn hộ chung cư, chỉ cần lưu ý nguy cơ lây nhiễm ở hành lang, thang máy hay giếng trời...

Tuy nhiên, người lao động nghèo từ những tỉnh xa đến các thành phố hay khu công nghiệp lớn để tìm việc làm, phải thuê phòng trọ chật chội, thiếu tiện nghi, thông khí và vệ sinh kém... rất dễ có lây nhiễm chéo. Bài học từ các ổ dịch như tại giáo phái Phục Hưng, quận Gò Vấp; tại các nhà máy duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”; cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá; hay tại các ổ dịch lây nhiễm trong từng gia đình phát hiện ở khắp các địa phương, đều cho thấy nơi ở chính là một môi trường lây nhiễm hết sức nguy hiểm. Nếu nơi ở không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt và vệ sinh thì thực sự là những ổ dịch tiềm ẩn.

Hàng triệu người lao động nghèo từ miền Trung đang sống trong những điều kiện như thế tại TP.HCM hay Bình Dương. Chỉ thị chống dịch của Thủ tướng: “Ai ở đâu ở yên đấy” rất đúng đắn, bao hàm cả việc "Nơi nào an toàn mới cho dân ở”. Chống dịch cần bắt đầu từ nhà dân, chứ không phải từ trên cao. Phải thừa nhận rằng công tác chống dịch tại cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nên tuy quyết liệt từ cấp trên, nhưng tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn rất cao. Lại nhớ một câu trong Bình Ngô đại cáo: “Tổ kiến hổng sụp toang đê vỡ”. Cần bịt ngay những ổ kiến có khả năng làm vỡ đê, chính là những nơi ở không đảm bảo mà người lao động nghèo các tỉnh xa đang tá túc.

Phòng chống lây nhiễm tại khu dân cư

Người dân ta thường có thói quen chuyện trò tiếp xúc hằng ngày với hàng xóm láng giềng. Đây là con đường phát tán vi rút dễ dàng tại khu dân cư. Thái độ chủ quan, ý thức phòng bệnh kém và việc không được nhắc nhở giám sát... là lý do của những hành vi nguy hiểm này. Tỷ lệ ca nhiễm mới trong cộng đồng đang có chiều hướng tăng lên, khoảng 22- 25%. Như vậy, các biện pháp chống dịch tại khu dân cư chưa đạt kết quả như mong muốn. Tình trạng tiếp xúc không an toàn diễn ra thường xuyên giữa hàng xóm láng giềng là một điểm yếu trong phòng chống dịch, cần được khắc phục kịp thời.

Ở đây có vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các đoàn thể. Cần quan tâm đúng mức đến khu vực này, về cả chính sách, nhân lực, kinh phí, chế độ đãi ngộ lẫn chế tài xử lý vi phạm. Khi đưa F1 và F0 cách ly tại nhà thì công tác chống dịch tại khu dân cư càng giữ vai trò then chốt.

Tổ COVID cộng đồng tại khu dân cư là một kinh nghiệm hay của Hà Nội. Người dân trong khu dân cư tự giác tham gia các hoạt động phòng chống COVID trên địa bàn, như yêu cầu người lạ đến phải bảo đảm an toàn phòng dịch, nhắc nhở cư dân chấp hành tốt quy định 5K và giãn cách xã hội, giữ vững những “vùng xanh” không COVID trong cộng đồng...

Phòng chống lây nhiễm tại khu vực công cộng

Dù dịch bệnh thì các hoạt động giao thông, mua sắm, bệnh viện, siêu thị... vẫn không thể ngừng lại. Qua các hoạt động này, vi rút sẽ có cơ hội lan xa hơn.

Giãn cách xã hội giúp giảm đà lây lan bệnh, nhưng lại gây ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, nên không thể kéo dài. Hoạt động du lịch, hàng không, tàu xe, siêu thị, trường học, công xưởng... rất cần sớm được trở lại bình thường. Dù vài tháng nữa sẽ có đủ vắc xin tiêm cho phần lớn người trưởng thành, nhưng vẫn rất cần các biện pháp bảo vệ cá nhân khác khi hoạt động ơn nơi công cộng. Khẩu trang và tấm chắn giọt bắn có tác dụng tốt nhưng chưa đủ. Nhu cầu có một thiết bị bảo vệ cá nhân an toàn hơn là rất cần thiết.

Một thiết bị đã được thiết kế cho mục đích đó và tạm được đặt tên là “Mũ có mặt nạ kèm khẩu trang” (3 trong 1). Thiết bị này sẽ bảo vệ tốt cho người mang, ngăn ngừa lây nhiễm vi rút qua tiếp xúc trực tiếp lẫn qua không khí. Xin được coi đây là đóng góp nhỏ cho cộng đồng. Nếu sớm được sử dụng rộng rãi như đeo khẩu trang nơi công cộng, nó sẽ thật sự hữu ích để bảo vệ cá nhân khỏi nguy cơ lây nhiễm COVID.

Làm thế nào để đưa các biện pháp này vào thực tiễn chống dịch?

Hầu hết các tỉnh thành đang tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đây là thời điểm phù hợp để chuẩn bị triển khai các giải pháp nêu trên.

Rất mong Bộ Y tế sớm thẩm định kỹ thuật mới và tạo điều kiện để kỹ thuật “PCR siêu nhạy” được chính thức sử dụng rộng rãi trong hoạt động phòng chống dịch, nhất là triển khai xét nghiệm diện rộng quy mô tỉnh/thành phố đối với những địa phương có nhu cầu, để dập dịch được nhanh chóng và triệt để.

Cần nhanh chóng nhân rộng mô hình “Tổ COVID cộng đồng” từ kinh nghiệm của Hà Nội. Cần xem gia đình và khu dân cư là trọng tâm của công tác chống dịch. Chống dịch chỉ thành công khi không còn ngôi nhà nào là ổ dịch tiềm ẩn và không còn khu dân cư nào còn thói quen tiếp xúc không an toàn giữa hàng xóm láng giềng.

Nếu được Bộ Y tế xác nhận tác dụng bảo vệ cá nhân phòng lây nhiễm vi rút của “Mũ có mặt nạ kèm khẩu trang” và được các doanh nghiệp quan tâm sản xuất, người dân khi ra đường sẽ có thêm một thiết bị mới, an toàn hơn, góp phần bảo vệ họ trong mọi hoạt động ở nơi công cộng.

Khi các biện pháp này được đồng bộ triển khai thì không cần kéo dài các đợt giãn cách và không cần duy trì các chốt kiểm dịch ở các địa phương nữa. Dịch COVID sẽ được kiểm soát tốt hơn và sớm hơn.

Nguyễn Hữu Toàn

PGS-TS-BS, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nên nghiên cứu loại 'mũ có mặt nạ kèm khẩu trang' 3 trong 1