Tại phiên bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra sáng 3.12, Phó chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam Phạm Quang Hưởng đề xuất, Công đoàn nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng dùng chung cho tất cả các cấp Công đoàn.
Tại phiên làm việc, các đại biểu đề cập đến một số giải pháp đột phá đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Theo ông Phạm Quang Hưởng, Phó chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam, để thực hiện thành công "Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030", trước hết phải đẩy mạnh tuyên truyền để đoàn viên, người lao động có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, từ đó thay đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức. Tiếp đó Công đoàn cần đưa ra những yêu cầu, đặt ra những bài toán, hay cụ thể là nói rõ mình cần gì, muốn gì để doanh nghiệp công nghệ số thực hiện.
Về các giải pháp cụ thể, ông Hưởng đề xuất, Công đoàn nên bắt đầu chuyển đổi số bằng việc phát triển một nền tảng dùng chung cho tất cả các cấp Công đoàn; cần sử dụng dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung; cần sử dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo hỗ trợ đoàn viên, cán bộ công đoàn và cần xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến, biến nền tảng này thành một mạng xã hội học tập, một mạng xã hội để đoàn viên, người lao động giao lưu, trao đổi, học hỏi nhau, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng.
Cùng với đó, biến nền tảng này thành một sàn thương mại điện tử để đoàn viên, người lao động có thể mua được hàng hóa có xuất xứ, có chất lượng, giá cả phù hợp và lại bán được cả sản phẩm làm thêm của mình…
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), trong 8 nhóm vấn đề, nội dung được quan tâm là đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động.
TLĐLĐVN kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐTB-XH chủ trì phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14) “Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”.
Ông Hiểu cho rằng, đề xuất này nhằm hướng tới đảm bảo công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động ở khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
TLĐLĐVN đề nghị nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới 5-6 ngày; nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ mùng 2 đến 5-9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
"Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường", ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.
Tại đại hội, tổ chức công đoàn cũng kiến nghị sớm có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.