Theo phía Nga, họ có thể sẽ rút khỏi dự án xây dựng một trạm không gian trong quỹ đạo Mặt trăng hợp tác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Lý do để dẫn tới việc chấm dứt hợp tác xây dựng trạm không gian trên Mặt trăng này là vì phía Nga không muốn "ở vị trí thứ yếu" trong dự án.
Ngày 22.9, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin cho biết Nga có thể rút khỏi chương trình hợp tác chung xây trạm không gian trên quỹ đạo Mặt trăng với Mỹ. Thay vào đó Nga sẽ thực hiện một dự án trạm không gian trong quỹ đạo Mặt trăng của riêng nước này hoặc hợp tác với các nước thuộc khối BRICS.
"Liên bang Nga không thể ở vị trí thứ yếu trong dự án này", ông Rogozin nói với RT.
Năm ngoái, Roscosmos và NASA đạt thỏa thuận hợp tác xây dựng trạm không gian Deep Space Gateway (Cánh cổng vào không gian) trong quỹ đạo của Mặt trăng, vốn sẽ là một điểm dừng cho các nhiệm vụ tương lai. Trạm không gian trên quỹ đạo Mặt trăng này là một phần của kế hoạch dài hạn nhằm đưa con người lên sao Hỏa.
Phía Nga khi đó cho biết hai bên đã thảo luận về việc sử dụng các tên lửa Proton-M và Angara của Moskva cùng các phi thuyền khác để phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho trạm vũ trụ Mặt trăng. Các hoạt động chính của dự án dự kiến bắt đầu vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Rogozin thì thay vì hợp tác chặt với nhau thì phía Mỹ chỉ muốn Nga đóng góp một phần nhỏ trong dự án. Thậm chí NASA muốn Roscosmos chế tạo một khoang docking và một mô đun liền kề. Nhưng cả hai mô đun này phải có khả năng chứa bộ quần áo không gian của Mỹ và được thiết kế phù hợp với các nguyên tắc kỹ thuật của Mỹ.
Thăm dò vũ trụ là một trong số ít lĩnh vực hợp tác quốc tế của Nga và Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng chính trị giữa hai nước. Các phi hành gia Nga và Mỹ cùng làm việc với nhau trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), quay quanh Trái đất từ năm 1998.
Thiên Hà (theo RT)