Hôm nay 16.6, Mỹ kết thúc một cuộc tập trận lớn ở vùng biển Baltic, là diễn biến mới nhất của tình trạng Nga - Mỹ dọa nạt nhau bằng nhiều cuộc tập trận ‘khủng’ ở châu Âu.

Nga - Mỹ có nhiều cuộc tập trận ‘khủng’ ở châu Âu

Trần Trí | 16/06/2017, 14:42

Hôm nay 16.6, Mỹ kết thúc một cuộc tập trận lớn ở vùng biển Baltic, là diễn biến mới nhất của tình trạng Nga - Mỹ dọa nạt nhau bằng nhiều cuộc tập trận ‘khủng’ ở châu Âu.

Cuộc tập trận hàng năm Chiến dịch Baltic (BALTOPS) có sự tham gia của 55 máy bay, 50 tàu chiến và tàu ngầm cùng 4.000 quân của 14 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) tham gia cuộc diễn tập quân sự ở khu vực chiến lược này.

“Xung phong” và “Nhát Kiếm” để Mỹ phô trương sự hiện diện quân sự

BALTOPS 2017 liên quan “Xung phong” (Forward Presence), mật danh của một kế hoạch triển khai quân sự do NATO xây dựng hồi năm 2016, khi liên minh quân sự này nhận định Nga có ý đồ xâm chiếm châu Âu bằng quân sự và chính trị.

Ngày 15.6, chuẩn đô đốc Christopher Grady nói BALTOPS 2017 không chỉ kiểm tra tinh thần sẵn sàng chiến đấu của liên quân, mà còn là cách thể hiện sự hiện diện quân sự của Mỹ với các đồng minh của Mỹ giáp biên giới Nga.

Ông Grady là chỉ huy Hạm đội 6 Hải quân Mỹ và là chỉ huy khối hải quân hỗ trợ chiến đấu của NATO, nói với báo Stars and Tripes: “Chiến dịch này cho phép chúng tôi thể hiện sự kiên quyết và cam kết với nhau, và để bảo vệ chủ quyền của các nước vùng biển Baltic. Khi đến với nhau, chúng tôi học hỏi lẫn nhau”.

Ngoài BALTOPS 2017, Mỹ cũng có những cuộc tập trận khác ở vùng Baltic cho đến hết tháng 6 này, trong cuộc diễn tập quân sự “Nhát Kiếm” (Saber Strike) vốn có 19 nước tham gia ở nhiều vị trí của 4 vùng chiến đấu tại Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan.

Tham gia hai cuộc tập trận này có một số chiến đấu cơ F-16 và máy bay ném bom B-52H và B-1B Lancer do không quân Mỹ triển khai từ căn cứ Aviano (Ý) đến căn cứ Krzesiny (Ba Lan) cùng sự góp mặt của800 lính không quân Mỹ.

"Nhát Kiếm” được tổ chức hàng năm từ năm 2011, nhưng năm nay là cuộc tập trận lớn nhất về tầm cỡ.

BALTOPS tổ chức hàng năm từ năm 1971. Nga từng tham gia năm 2012 nhưng từ năm 2015 không còn được mời dự.

Chiến dịch Zapad của Nga khiến 3 nước vùng biển Baltic lo sợ

Theo Newsweek, 3 nước vùng biển Baltic là Estonia, Latvia và Litva đều đã lo ngại cho an ninh quốc gia trước chính sách đối ngoại của Nga trong vài năm qua:

Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, khi có cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine mà Nga nói nó đe dọa cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga ở miền này.

NATO nhận định đó là một hành vi trái phép của Nga, bắt đầu tăng cường cơ sở hạ tầng phòng thủ tại khu vực.

Năm 2016, Mỹ - NATO tuyên bố 3 nước vùng biển Baltic cùng Ba Lan sẽ tổ chức các đơn vị chiến đấu và NATO sẵn sàng hỗ trợ quân sự.

Moscow nghiêm giọng chỉ trích động thái này, và Nga cũng tăng cường phòng thủ ở Đông Âu và vùng biển Baltic:

Năm 2016, Nga dàn tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có thể gắn đầu đạn hạt nhân đến Kaliningrad,một khu vực thuộc Nga được vũ trang hạng nặng nằm giữa Ba Lan và Litva. Quyết định này khiến các nước thành viên NATO lo ngại.

Nga cũng dự tính tổ chức các cuộc tập trận riêng vào mùa thu 2017. Cụ thể là các cuộc tập trận Zapad (Phương Tây) ở Belarus và vùng Kaliningrad. Theo Newsweek, Zapad có thể có sự tham gia của 100.000 quân Nga và đồng minh Belarus.

Kịch bản của Zapad (tổ chức 4 năm một lần từ đầu những năm 1980) là chống NATO từ vùng biển Baltic xâm lược, và cũng để Nga khoe các loại vũ khí mới, các phương tiện quân sự được hiện đại hóa và đã được đưa đến quân khu miền tây của Nga.

Quân nhân Nga tham gia cuộc tập trận Zapad

Cũng theo Newsweek, để phản ứng với Zapad, Mỹ có thể triển khai tên lửa đất đối không Patriot tại các nước vùng biển Baltic.

Hồi tháng 5, khi gặp nữ Tổng thống Dalia Grybauskaite của Litva, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Zapad của Nga “gây bất ổn” nên các quan chức Mỹ gợi ý phải đưa Patriot tới khu vực này.

Ông Mattis từ chối cho biết Litva có yêu cầu Mỹ triển khai Patriot hay không. Loại tên lửa này khá cơ động, đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay.

Bà Grybauskaite cũng nói với Reuters: “Chúng tôi rất lo ngại Zapad sắp tới. Cuộc tập trận này sẽ triển khai một lực lượng tấn công rất lớn ở biên giới nước chúng tôi, cho thấy Nga chuẩn bị rất kỹ càng cho một cuộc chiến với phương tây”.

Đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Litva, ông Raimundas Karoblis cũng nói với trang Defense One: Nước ông lo sợ Zapad đầu tiên sau khi Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ quân ly khai ở miền đông Ukraine.

Trong chuyến thăm Mỹ này, ông Karoblis nói: “Chúng tôi cần phải chuẩn bị đối phó với những bất ngờ... Họ có thể theo một hướng khác với kế hoạch mà họ công bố, và cũng có thể có vài cuộc thử nghiệm xem công tác bảo vệ biên giới của chúng tôi có hiệu quả hay không”.

Mỹ - Nga là hai cường quốc quân sự - hạt nhân lớn nhất thế giới. Hai bên cáo buộc nhau kích động một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Baltic.

Mỹ cùng các đồng minh Tây Âu như Pháp, Đức đều cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của nước họ.

Moscow chỉ trích Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự trên toàn thế giới, nhất là ở quanh biên giới Nga ở châu Á và châu Âu.

Trung Trực (theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga - Mỹ có nhiều cuộc tập trận ‘khủng’ ở châu Âu