Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin là đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin tố cáo Mỹ và EU khinh bỉ tộc người Slav, sau khi chính quyền Mỹ và EU đồng ý trừng phạt Nga và Belarus.

Đồng minh của Tổng thống Putin tố cáo Mỹ và EU khinh bỉ người Slav

Trần Trí | 15/06/2017, 12:40

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin là đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin tố cáo Mỹ và EU khinh bỉ tộc người Slav, sau khi chính quyền Mỹ và EU đồng ý trừng phạt Nga và Belarus.

Hãng tin Interfax ngày 14.6 dẫn lời ông Volodin: Phương tây trừng phạt Nga và Belarus là kết quả của sự kỳ thị cộng đồng Slav ở Đông Âu.

Ông nói: “Việc này vượt quá logic. Những người đứng sau các lệnh trừng phạt này đáng bị nghi ngờ âm mưu chống phá cộng đồng Slav. Quývị cần phải hỏi họ tại sao họ không ưa người Slav”.

Mỹ và các nước thuộc khối Liên hiệp châu Âu (EU) trừng phạt kinh tế đối với Nga và Belarus với cớ Moscow can thiệp vào các vấn đề chính trị - quân sự của các nước khác.

Trong tuần này,Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu có nên trừng phạt bổ sung đối với Nga hay không.

Dự kiến dự luật mới sẽ sớm được thông qua, vì nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện.

TheoReuters, dự luật mới gồm lệnh trừng phạt Nga về vụ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, vụ sáp nhập Crimea năm 2014 và việc Nga hỗ trợ chính phủ Syria trong cuộc nội chiến 6 năm ở nước này.

Các cá nhân, tổ chức người Nga bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền, cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria và tiến hành các cuộc tấn công mạng sẽ là đối tượng chủ yếu bị trừng phạt. Các ngành công nghiệp khai thác mỏ, kim loại, các ngành vận tải và đường sắt của Nga cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt mới.

Tuy nhiên, trước khi trở thành luật, dự luật này cần được Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận. Trong trường hợp ông Trump phản đối, Thượng viện có thể phủ quyết và dự luật mới vẫn có hiệu lực.

Mối quan hệ bất hòa Mỹ-Nga

Theo Newsweek, mhiều nước châu Âu đã bày tỏ sự lo ngại về cách hành xử của Nga tại khu vực, từ sau lần sáp nhập Crimea vào Nga hồi năm 2014, trong lúc đang có cuộc nổi dậy ở Ukraine mà Nga nói nó đe dọa cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga ở đông Ukraine.

Sau khi Mỹ và EU áp các lệnh trừng phạt, nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi tăng các biện pháp trừng phạt, với cớ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liên tục bác bỏ cáo buộc này.

Lệnh cấm vận của phương tây đối với Nga hồi năm 2014 ban đầu nhắm vào nhiều quan chức cấp cao, tiếp đó là đối với các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga.

Vẫn theo Newsweek, sự trừng phạt này khiến đồng rúp rớt giá, tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính cho Nga, lúc đó là nền kinh tế lớn hàng thứ 8 thế giới.

Hậu quả là quan hệ giữa hai cường quốc quân sự lớn nhất thế giới bị xuống cấp. Sự căng thẳng Nga - Mỹ đã khiến Nga nỗ lực cải thiện khả năng quân sự, và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu ở châu Âu cũng lo tăng cường.

Quan hệ Mỹ - Nga lại căng thẳng thêm ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Một tháng trước ngày bầu cử 9.11, giới tình báo Mỹ tuyên bố họ tin rằng Điện Kremlin tài trợ nhiều vụ tin tặc nhắm vào những quan chức trong nhóm tranh cử của nữ ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ.

Đối thủ của bà, tỉ phú Trump thì bày tỏ sự ngưỡng mộ Tổng thống Putin và sau đó ông trúng cử tổng thống Mỹ, nhậm chức ngày 22.1.2017.

Từ đó, chính phủ ông Trump bị cáo buộc cấu kết với Nga, dẫn đến các vụ từ chức và cuộc điều tra nghi án nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga vẫn đang tiếp tục.

Nhưng các quan chức Mỹ khác vẫn tỏ thái độ cứng rắn chống Nga. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói ông không thấy có dấu hiệu nào cho thấy ông Putin muốn có một quan hệ tích cực với Mỹ. Ông còn gọi Nga là mối đe dọa lớn hàng thứ nhì cho an ninh quốc gia Mỹ, chỉ sau CHDCND Triều Tiên.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford nói chỉ việc dùng chữ “bất hòa” để xác định mối quan hệ Mỹ - Nga.

Dù vậy, vào lúc Quốc hội Mỹ đang xem xét áp thêm mức trừng phạt Nga, một số quan chức nói những biện pháp này sẽ tác động đến các vấn đề quốc tế.

Vào cuối ngày 14.6 (giờ Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson giải trình trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ. Một ngày trước đó, ông Tillerson cũng đề cập mối quan hệ Mỹ - Nga xuống cấp. Tuy nhiên,ông lưu ý các nghị sĩ chớ nên thực hiện các bước có thể gây hại cho cuộc đối thoại giữa Mỹ - Nga về nội chiến Syria.

Sau hai lần hợp tác với Nga bảo trợ lệnh ngưng bắn ở Syria, Mỹ đã rút khỏi bàn đàm phán, Nga bắt tay Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để làm trung gian cho lệnh ngưng bắn mới.

Trong cuộc nội chiến 6 năm này, Washington “chống lưng” quân nổi dậy đòi lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bassar Assad, một đồng minh được Nga bảo vệ.

Nhưng Mỹ - Nga cũng chống lại quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.

Trung Trực (theo Newsweek)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng minh của Tổng thống Putin tố cáo Mỹ và EU khinh bỉ người Slav