Điện Kremlin cố gắng thể hiện chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một sự kiện lịch sử cho thấy Nga quan trọng thế nào trong tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc không thỏa thuận.
Truyền thông Nga đưa tin rất chi tiết chuyến tàu chở nhà lãnh đạo Kim đến Vladivostok, cách quan chức Nga chào đón ông bằng món quà truyền thống là bánh mì và muối, những nơi ông dự kiến đi.
Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ với Tổng thống Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố: “Chúng tôi rất sẵn lòng đưa quan hệ Triều - Nga lên tầm cao mới”.
Phía Tổng thống Putin cũng tỏ ý hài lòng về kết quả cuộc hội đàm, đồng thời tuyên bố quyết tâm tăng cường tình hữu nghị lẫn hợp tác song phương.
Lợi ích chung
Theo nhà lãnh đạo Kim: “Người dân hai nước hiểu rằng mối quan hệ này không chỉ phục vụ lợi ích chung, mà còn là yếu tố không thể thiếu góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực”.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều chẳng đem lại thỏa thuận có ý nghĩa nào. Tuy nhiên, một vài chuyên gia đánh giá sự kiện là cơ hội giúp nhà lãnh đạo Kim dễ xoay sở hơn khi đàm phán với Mỹ khôi phục, và để ông sử dụng Nga làm thế lực răn đe nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy thực hiện những lời đe dọa.
Nhà phân tích Dmitry Zhuravlev thuộc Viện nghiên cứu Các vấn đề khu vực (IRS) nhận định: “Đây là bước đột phá mà Triều Tiên cần cho Mỹ biết: Hãy nhìn xem chúng tôi có mối quan hệ bình thường với Nga. Nếu xảy ra chuyện thì chúng tôi sẽ nhờ họ bảo vệ, vì vậy hãy ngừng giơ nắm đấm đi”.
Trung Quốc mới là quốc gia hậu thuẫn hàng đầu cho Triều Tiên, tuy nhiên Nga có nhiều động lực lẫn lợi ích khi ủng hộ nhà lãnh đạo Kim.
Nga nắm giữ quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và muốn đóng vai trò nào đó trong bất cứ vấn đề gì liên quan đến Triều Tiên.
Có chung đường biên giới, Nga không muốn ngay bên cạnh nước này tồn tại một nguồn họa hạt nhân, nhưng họ lại không quan tâm lắm đến việc giải trừ hạt nhân Triều Tiên. Sự sụp đổ của chính quyền Bình Nhưỡng hiện tại đem đến nguy cơ Mỹ thêm 1 đồng minh, căn cứ quân sự Mỹ xuất hiện ngay sát Nga.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Fyodorov đoán rằng qua lần gặp trực tiếp đầu tiên, hai ông Putin - Kim đã nhất trí cho Moscow trở thành “người đảm bảo” cho bất cứ thỏa thuận Mỹ - Triều nào. Không những vậy, Nga còn có thể tham gia công tác xây dựng danh sách điều kiện để phía Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội kết thúc không thỏa thuận, theo ông Fyodorov: “Yêu cầu từ phía Mỹ không hoàn toàn phù hợp với nhà lãnh đạo Kim. Chúng quá rộng, bao gồm cả đòi hỏi cấm nghiên cứu vũ trụ và hóa học. Đây là lý do Nga, Trung lẫn Mỹ phải cùng thực hiện nhiệm vụ tìm ra công thức giải trừ hạt nhân thực sự”.
Cẩm Bình (theo Aljazeera)