Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng dịch COVID-19 đã phá hỏng tiến trình xóa nghèo cùng cực vào năm 2030, đồng thời chiến tranh Nga - Ukraine làm giá cả tăng vọt khiến dự tính càng khó khăn hơn.
Trong “Báo cáo về Đói nghèo và Thịnh vượng chung” mới nhất, WB nêu dịch COVID-19 đã phá bỏ những tiến bộ có được từ hàng chục năm nỗ lực xóa nghèo trên toàn cầu.
Theo báo cáo của WB, đại dịch COVID-19 đã đẩy 71 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực vào năm 2020, con số cao kỷ lục trong nhiều thập niên. Con số này góp phần nâng tổng số người nghèo lên 719 triệu người (tức khoảng 9,3% dân số thế giới), chỉ sống với mức thu nhập 2,15 USD mỗi ngày.
Báo cáo cho biết nếu thế giới không đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn thì đến năm 2030, ước tính khoảng 574 triệu người (khoảng 7% dân số thế giới) vẫn sẽ sống với mức thu nhập đó.
Các nhà phân tích WB nói rằng tình hiện hiện nay ảm đạm hơn do tác động từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine; kinh tế Trung Quốc suy yếu; lạm phát, giá năng lượng và lương thực tăng cao... càng cản trở tiến trình xóa nghèo cùng cực trong tương lai.
Chủ tịch WB David Malpass nói báo cáo mới này nêu bật việc cần có những thay đổi về chính sách kích cầu tăng trưởng mạnh mẽ. Ông nhận định: “Tiến bộ trong việc giảm nghèo cùng cực nói chung đã bị chặn lại, cùng với sức tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm”; đồng thời khẳng định “tình trạng lạm phát, đồng tiền mất giá và những khủng hoảng chồng lấn rộng hơn” càng làm trầm trọng tình trạng nghèo khổ cùng cực.
Các nhà kinh tế học cho biết, 60% người nghèo cùng cực là ở vùng Hạ Sahara. Tổng tỷ lệ nghèo ở vùng này là 35%.
Chủ tịch WB nhận xét, để tránh tình hình nghèo cùng cực thêm trầm trọng, các nước cần tăng cường tham gia hợp tác nhiều hơn, chấm dứt trợ giá diện rộng và chú trọng các mục tiêu tăng trưởng dài hơi hơn là đạt được những lợi ích ngắn hạn.
Báo cáo của WB cho rằng dịch COVID-19 là “bước lùi lớn nhất” đối với hàng chục năm xóa nghèo cùng cực trên toàn cầu. Cơ quan này cũng ghi nhận tiến độ đã chậm lại đáng kể trong 5 năm trước đó - với thiệt hại thu nhập ở các nước nghèo cao gấp đôi so với những nước giàu có, làm gia tăng thêm bất bình đẳng tài chính toàn cầu.
Báo cáo của WB cũng ghi nhận các trường hợp làm dịu bớt tình trạng đói nghèo cùng cực trong đó sự hỗ trợ của chính phủ, đồng thời chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển có ít nguồn lực hơn. Điều này cản trở các nỗ lực nhằm xóa đói giảm nghèo.
Nhà kinh tế trưởng WB Indermit Gill cho biết: “Trong thập niên tới, đầu tư vào y tế và giáo dục tốt hơn sẽ là yếu tố quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển”.
Báo cáo WB kêu gọi các quốc gia giàu có tăng doanh thu bằng cách tăng thuế bất động sản và thuế carbon, do đó cho phép họ bổ sung ngân sách nhà nước mà không tạo thêm gánh nặng cho người nghèo.
Nhìn chung, tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu giảm từ 38% vào năm 1990 và xuống còn 8,4% vào năm 2019, theo theo dõi của WB. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm tăng sự nghèo cùng cực lần đầu tiên từ hơn 20 năm qua. Báo cáo được WB công bố ngày 5.10 kết luận rằng mục tiêu xóa nghèo cùng cực vào năm 2030 vẫn còn nằm ngoài tầm với.