Một tàu vận chuyển đa nhiệm tên Ngọc Sơn do Đài Loan tự đóng vừa được bàn giao cho hải quân đảo tự trị.

Đài Loan tự đóng tàu chiến hiện đại

Cẩm Bình | 04/10/2022, 14:55

Một tàu vận chuyển đa nhiệm tên Ngọc Sơn do Đài Loan tự đóng vừa được bàn giao cho hải quân đảo tự trị.

Được đóng bởi Công ty CSBC, tàu Ngọc Sơn dài 153 mét, trong lượng 10.600 tấn sẽ thay thế chiếc Húc Hải vốn là tàu USS Pensacola của Mỹ phục vụ từ năm 1971 được chuyển giao cho Đài Loan năm 1999.

Ngọc Sơn là chiếc đầu tiên trong 4 tàu chuyển quân lẫn vật tư mà Đài Loan dự định đóng để gia tăng năng lực phòng vệ. CSBC giới thiệu trên tàu có 2 khu chứa máy bay trực thăng, chở được gần 700 binh sĩ trang bị đầy đủ, một số phương tiện đổ bộ cùng 5 tàu đổ bộ cỡ nhỏ. Tàu được trang bị hệ thống tên lửa Hải Kiếm 2, pháo MK-75 và pháo MK-15.

Phát biểu tại lễ bàn giao tổ chức ở cảng Cao Hùng, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố tàu Ngọc Sơn là minh chứng cho nỗ lực đạt mục tiêu tự chủ về năng lực phòng vệ của Đài Loan. “Chỉ có tăng cường năng lực phòng vệ thì mới có được hòa bình thực sự. Chính sách và quyết tâm của chúng ta là tự chủ về năng lực phòng vệ, để lực lượng phòng vệ nhận được trang bị tốt nhất để bảo vệ đất nước”, bà Thái phát biểu.

Trong bối cảnh căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan leo thang, đảo tự trị bên cạnh tăng cường quan hệ với các quốc gia thân thiện, đặc biệt là Mỹ, thì cũng chú trọng nâng cao sức mạnh quân sự của mình.

Cuối tháng 8 vừa qua, chính quyền bà Thái đề xuất sách ngân sách quân sự 13 tỉ USD cho năm 2023, tăng 12,9% so với năm 2022, đồng thời hy vọng cơ quan lập pháp thông qua khoản tiền hơn 3,4 tỉ USD mua thêm chiến đấu cơ cùng khí tài hải quân.

newtaiwan.jpg
Tàu vận chuyển đa nhiệm Ngọc Sơn - Ảnh: JIJI

Tự chủ hơn

Đài Loan triển khai chiến lược Khái niệm phòng vệ tổng thể (ODC) để tận dụng tốt nhất nguồn lực có hạn.

ODC nhấn mạnh phát triển cả khí tài thông thường lẫn khí tài dùng cho cuộc chiến chênh lệch lực lượng quá lớn. Khí tài dùng cho cuộc chiến chênh lệch lực lượng quá lớn đóng vai trò ngày càng quan trọng khi đảo tự trị từ bỏ quan điểm sẽ tiến hành tiêu hao chiến với quân đội Trung Quốc vượt trội hơn.

Ý tưởng chính của chiến lược là sử dụng vũ khí sát thương khó bị nhắm mục tiêu cũng như khó bị phản công như đạn dược dẫn đường chính xác tầm ngắn chi phí thấp, tàu tấn công nhanh, tàu tấn công tên lửa cỡ nhỏ, thủy lôi, tàu phá mìn.

Mỹ đã cung cấp một số loại khí tài nêu trên, chẳng hạn tên lửa chống hạm, tên lửa chống tăng Stinger, tên lửa hành trình phóng từ máy bay, máy bay không người lái tấn công.

Ngoài ra, ODC còn chú trọng hiện đại hóa và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Vì vậy Đài Loan theo đuổi chính sách dần dần tự chủ về năng lực phòng vệ nhờ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D) và sản xuất thiết bị quân sự ngay tại chỗ.

Trong báo cáo quốc phòng mới nhất, đảo tự trị đặt mục tiêu kết hợp năng lực công nghiệp với năng lực R&D nội địa để thúc đẩy phát triển tên lửa, máy bay và tàu tự đóng, cũng như xe bọc thép.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan giao phó cho nhiều đơn vị học thuật tiến hành nghiên cứu phát triển công nghệ mới, tập trung vào chiến đấu cơ, đóng tàu, xe bọc thép, tên lửa, thiết bị không người lái. Trong năm 2019 và 2020 đã có 130 chương trình nghiên cứu nhận tổng cộng hơn 6 triệu USD, năm 2021 hơn 4 triệu USD được cấp cho 81 chương trình.

Cơ quan khoa học - công nghệ Đài Loan năm 2021 thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc phòng, hợp tác với Viện Nghiên cứu khoa học Trung Sơn (NCSIST) đào tạo đội ngũ chuyên gia khoa học quốc phòng tương lai. Họ thu hút sinh viên bằng cách tài trợ học thạc sĩ và tiến sĩ. Người tốt nghiệp được NCSIST ưu tiên tuyển dụng, tham gia các nghiên cứu dài hạn về công nghệ quốc phòng.

Nhiều khí tài tự sản xuất hơn

Một trong những thành quả đáng chú ý của nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa là máy bay phản lực Dũng Ưng T-5 dùng trong huấn luyện.

Được phát triển bởi Tập đoàn Phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ Đài Loan hợp tác với NCSIST, T-5 sẽ thay thế dần số máy bay AT-3 cũ kỹ. Lực lượng phòng vệ Đài Loan cũng định đặt mua phiên bản T-5 chiến đấu thay thế máy bay F-5E/F Tiger II.

Một cột mốc quan trọng khác là Đài Loan vào cuối năm 2021 bắt đầu đóng chiếc đầu tiên trong số 8 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel - điện, tự sản xuất.

Vào tháng 1, hải quân đảo tự trị thông báo thành lập hai đội tàu phá mìn. Sau tàu hộ tống lớp Đà Giang bản cải tiến trang bị tên lửa chống hạm đầu tiên bàn giao vào tháng 7.2021, hải quân vừa nhận chiếc thứ 2 vào tháng trước.

Ngoài ra, Đài Loan cũng đã tự sản xuất được phương tiện chiến đấu bọc thép, thiết bị không người lái hoạt động trên không, trên mặt biển lẫn dưới mặt biển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đài Loan tự đóng tàu chiến hiện đại