Tôi là một học sinh giỏi Văn và tôi yêu thích các môn Khoa học Xã hội. Tôi thi khối C không phải vì “dốt” các môn Khoa học tự nhiên mà là vì với lựa chọn đó, tôi cảm thấy hứng thú nhất.

Ngày đó tôi thi khối C

25/05/2014, 10:27

Tôi là một học sinh giỏi Văn và tôi yêu thích các môn Khoa học Xã hội. Tôi thi khối C không phải vì “dốt” các môn Khoa học tự nhiên mà là vì với lựa chọn đó, tôi cảm thấy hứng thú nhất.

Tôi không phải là một học sinh xuất sắc, cũng không phải là một đứa quá thông minh. Nhưng cũng không phải là một đứa tệ. Vì nếu xét về thành tích học tập thì tôi vẫn liên tục nằm trong TOP của lớp suốt những năm học phổ thông.

Ngày đó, trường tôi chưa có chương trình tư vấn tuyển sinh như bây giờ, thầy cô thì cũng không chú trọng lắm vào việc định hướng cho học sinh của mình. Cứ dạy và học thôi. Bạn bè tôi, nhà đứa nào mà có ba má làm giáo viên hay anh chị đang học Đại học, Cao đẳng thì được định hướng kĩ lưỡng hơn những đứa khác.

Riêng tôi, đến cận ngày nộp hồ sơ thi Đại học tôi vẫn chưa xác định là mình nên thi vào ngành gì nữa. Chỉ có một điều tôi chắc chắn là mình sẽ thi khối mà mình thích nhất, tự tin nhất, và quan trọng nhất đó phải là sở trường của mình.

Tôi chọn thi khối C.

Sự lựa chọn của tôi ngày đó được coi là hiếm hoi. Trong lớp tôi, chỉ có 2 đứa thi khối này, mà đó lại là hai thằng con trai. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa một lần cảm thấy tiếc nuối hay có một cảm giác nào đại loại như vậy khi chọn thi đại học khối C lúc làm hồ sơ thi Đại học, mặc dù ai cũng biết cơ hội ngành nghề của khối này so với những khối thi khác là không nhiều.

Tôi trở thành sinh viên của ngành lấy điểm khối C đầu vào cao nhất trường, của một ngành học vào dạng “hot” nhất dành cho “dân” Khoa học Xã hội. Tôi đã học tập và rèn luyện ở đó cùng với những người bạn cũng lựa chọn khối C như mình và họ phần đông giống tôi: tràn tự tin và đầy năng lượng.

Cũng có vài người thân, bạn bè tỏ ra ái ngại khi tôi chọn thi đại học khối C để gửi gắm tương lai của mình. Nhưng tôi thì lại rất thỏa mái vì chỉ có tôi mới biết mình thích gì, có thể làm được gì và làm đến đâu với lựa chọn của mình.

Tôi đơn giản cho rằng mỗi một con người sinh ra có những sở trường khác nhau. Người thì có khả năng cảm thụ tốt văn chương, người thì rất nhạy bén với những con số. Người này có năng khiếu về hội họa, người kia lại được ban phát cho một giọng ca trời phú… và thế là, hoặc sớm hoặc muộn, mỗi người sẽ tự mình hoặc được người thân nhận ra rồi phát triển cái năng khiếu ấy, biến nó thành thương hiệu cá nhân hay cao hơn nữa là tiếp tục rèn giũa để dùng nó chinh phục những nấc thang thành công trong cuộc đời họ.

Chẳng một ai cảm thấy thỏa mái nếu cứ phải khoác lên người chiếc áo không hợp với mình. Nhiều khi tôi tự vấn mình rằng nếu ngày đó, gia đình tôi nhất quyết không cho tôi thi khối thi mà tôi chọn lựa, và bản thân tôi cũng không đủ quyết đoán để bảo vệ nó đến cùng thì liệu bây giờ tôi sẽ thế nào?

Biết đâu đó, tôi sẽ có phong phú hơn sự chọn lựa ngành nghề với kinh tế, xây dựng, kiến trúc sư… nhưng có một điều chắc chắn là tôi sẽ không hạnh phúc như với mục tiêu của hiện tại: trở thành một nhà báo giỏi.

“Hạnh phúc không đơn thuần là một điểm đến mà là cả một quá trình”. Và nếu như trên hành trình đầy chông gai phía trước, ta vẫn cứ mang cái cảm giác lăn tăn, không thể toàn tâm toàn lực phục vụ cho sự chọn lựa của mình thì có lẽ, hành trình đó đã thất bại ngay từ điểm khởi đầu.

Gia Đỗ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngày đó tôi thi khối C