“Sau đợt vô thuốc gần đây, người tôi đau nhức vô cùng. Mỗi ngày phải uống một viên giảm đau cực mạnh và 4 viên giảm đau liều nhẹ hơn mà vẫn không chịu nổi. Định làm việc gì đó cho quên bớt sự đau đớn này, nhưng cơn đau lấn lướt đánh gục ý chí...” nghệ sĩ Lê Bình cho biết.
Tôi đến thăm Lê Bình vào những ngày cuối năm. Anh vẫn ở tầng 5 chung cư Huỳnh Văn Chính, một chung cư cũ không có thang máy. Tôi đi chậm từng bước qua từng bậc thang và thầm nghĩ: Với sức khỏe của Lê Bình hiện nay, liệu anh có thể đi xuống đường, rồi lên nhà được mấy lần ?!
Tôi dừng chân ở căn hộ phía trước có chậu đinh lăng. Cánh cửa phòng mở rộng nên tôi nhìn vào thấy Lê Bình đang nằm trên chiếc ghế bố. Trông thấy tôi, anh đứng dậy nhanh và ra cửa đón tôi vào. Anh chỉ tôi ngồi xuống chiếc giường đối diện ghế bố anh đang nằm. Anh ngồi xuống và thở hắt ra. Tôi quan sát kỹ thấy môi anh khô đến mức nứtnẻ.
Sống chết khó lường
Lê Bình kể về lần vô thuốc gần nhất. Anh nói chuyện một hồi thì dừng lại thở. Tôi hỏi anh: “Tình hình của anh hiện tại thế nào?”.
Anh trả lời: “Không hiểu sao ở lần vô thuốc này, người tôi đau nhức hơn trước. Mỗi ngày tôi phải uống một viên morphine và 4 viên giảm đau bình thường mà vẫn không khống chế được cơn đau. Thấy nằm không bị cơn đau hành hạ, tôi muốn ngồi dậy viết hết các kịch bản mình đãấp ủ từ trước và trong thời gian bệnh. Nhưng cơn đau khiến tâm trí tôi bị phân tán, ngồi viết không nổi”.
Theo Lê Bình, tác dụng của liều thuốc khiến lưỡi anh mất vị giác, ăn uống không ngon. Nhìn thức ăn là không buồn ăn. Cố gắng nấu cháo mà nuốt không trôi. Uống nước cũng không cảm nhận được vị ngọt. Điều trị ung thư rất cần dinh dưỡng nuôi tế bào khỏe mà việc ăn uống khó khăn khiến cơ thể anh bần thần, khó chịu.
Lê Bình ngồi nói chuyện được một lúc thì kêu mệt, xin phép nằm xuống.
Tôi hỏi anh: “Anh cảm nhận sinh mệnh của mình sẽ ra sao ?”.
Anh trả lời: “Tôi cũng không biết thế nào. Hy vọng vẫn hy vọng nhưng số phận con người do trời định. Kiểm tra sức khỏe, tất cả các bộ phận đều tốt. Hai buồng phổi cũng tốt, nhưng chính giữa hai buồng phổi mọc ra một khối u như cái gai. Bác sỹ nói không điều trị kịp lúc, cái gai này tấn công vào xương, phá hủy thần kinh tủy sống, tôi sẽ bị liệt. Tình trạng bệnh của tôi bây giờ đã di căn vô xương. Sống chết khó lường”.
Tôi nói với anh về những trường hợp dùng sức mạnh ý chí, cũng như đức tin vào tôn giáo để tạo sức mạnh bên trong vượt qua bệnh tật. Lê Bình nói anh hiểu rõ tất cả những điều đó. Anh luôn nghĩ về những điều tích cực. Anh cầu nguyện và thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên mỗi ngày 3 lần. Nhưng hổm rày người mệt mỏi choáng váng, chỉ nằm cầu nguyện.
Chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất
Tôi hỏi anh: “Mặc dù anh không biết mình sẽ sống chết ra sao, nhưng người nghệ sĩkhông thể sống xa máy quay, sàn diễn được lâu. Liệu rằng anh có thể ráng sức đóng một vài phân đoạn nhỏ khi sức khỏe hồi phục đôi chút?"
Lê Bình cho biết: “Bác sỹ nói căn bệnh khiến cho xương của tôi bây giờ bị giòn. Tôi phải hết sức cẩn thận nhằm tránh bị té ngã, gãy xương sẽ không lành. Đóng phim hay đóng kịch đều phải có hành động và di chuyển. Tình hình sức khỏe hiện tại, cộng với lời khuyên bác sỹ khiến tôi nghĩ rằng tôi còn rất ít cơ hội để tiếp tục được ăn cơm tổ nghiệp”.
Chúng tôi ngồi trò chuyện một hồi thì có vài người dừng lại trước cửa phòng. Họ là những người hàng xóm trong chung cư anh đang sống. Họ hỏi thăm ức khỏe anh một cách thân thiện và ân cần.
Chị Út Lam, người phụ nữ ở sát căn hộ Lê Bình nói: “Em mừng vì anh đã mơ cửa đón chị nhà trở về. Anh đau yếu kiểu này, cần có một người chăm nom”.
Tôi hỏi anh Lê Bình về chị nhà. Anh nói hồi đầu tuần, anh đã nhắn tin cho người vợ đã xa cách 4 -5 năm trở về. Anh kêu chị ra chào tôi. Tôi đứng dậy chào chị. Anh Lê Bình nói: “Chuyện quá khứ hãy xếp lại. Tôi không biết sống chết thế nào, nhưng con trai tôi luôn cần cha và mẹ. Giờ đây, gia đình tôi đoàn tụ. Tôi cảm thấy an tâm hơn”.
Chị Nhung, bà xã anh Lê Bình nởnụ cười nhìn anh. Chị nói: “Trong cuộc đời mỗi người đều có những đúng và sai. Giờ đây, tôi muốn quên chuyện xưa để tập trung lo cho anh Bình lúc bệnh tật. Con ruột và con nuôi đều phải mưu sinh. Tôi được giao phần chăm sóc anh là hợp tình, hợp lý. Tôi thấy phần sau cuộc đời tôi như vậy là đủ lắm rồi”.
Câu chuyện của chúng tôi hướng đến tình thầy trò và tình đồng nghiệp. Anh nhớ lại cái thời mình phụ trách phong trào văn nghệ ở Quận 3, TPHCM. Anh chịu trọng trách viết kịch bản, đạo diễn mảng kịch phong trào. Thời điểm đó, cố nghệ sĩngôi sao Lê Công Tuấn Anh chưa vào nghề. Anh thường hay đứng ngoài cửa nhìn vào xem anh em tập.
Lê Bình thấy cậu thanh niên trẻ có gương mặt sáng sủa, lại thích kịch, thế là mời vào diễn chung. Anh chính là người dạy Lê Công những bài học vở lòng về diễn xuất. Về sau, Lê Công Tuấn Anh vào đoàn kịch Kim Cương gặp sư phụ thứ hai là nghệ sĩMai Trần.
Dẫu vậy, Lê Bình cho biết anh chưa từng chính thức nhận ai làm học trò. Anh chỉ san sẻ kinh nghiệm trên tinh thần anh em, hoặc tiền bối chỉ bảo hậu bối. Trong lứa diễn viên trẻ sau này, anh quý Mai Sơn Lâm và Võ Thành Tâm. Hồi mới vào nghề, họ thích Lê Bình nên hay lên nhà anh ngồi trà dư tửu hậu. Trong những buổi đàm đạo như thế, anh góp ý cho họ đôi chỗvề diễn xuất và cách tạo hình nhân vật. Họ trân trọng những lời góp ý của anh.
Buổi nói chuyện đã dài. Tôi thấy còn hào hứng muốn nghe anh kể thêm nhiều mẩu chuyện khác, nhưng quan sát thấy anh đãmệt, tôi kiếu từ ra về. Trước khi tôi bước ra cửa, Lê Bình nói thêm anh đang chấp bút viết hồi ký. Anh tạm đặt cho nó cái tựa: Lê Bình – một thời rong ruổi.
Anh đã hoàn thành hai chương. Anh sẽ ráng viết thêm cho xong càng sớm càng tốt. Ý định viết tự truyện của anh nhằm gửi đi thông điệp: Cuộc sống đầy thách thức nhưng con người phải mạnh mẽ đương đầu và vượt qua !”.
Bài và ảnh: Nguyễn Huy