Gần 20 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn không quản ngại ngần, vừa nhận chăm sóc ngày ba bữa cơm, vừa tận tụy phục vụ cụ bà tuổi ngoài 90 neo đơn, sớm hôm đau yếu. Bất chấp những tiếng xì xào của một số người không hiểu chuyện, chị âm thầm thực hiện nghĩa cử cao đẹp chỉ vì muốn lòng mình thanh thản.

Nghĩa cử hiếm thấy của người phụ nữ nghèo nuôi… mẹ người dưng

Một Thế Giới | 06/07/2015, 17:23

Gần 20 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn không quản ngại ngần, vừa nhận chăm sóc ngày ba bữa cơm, vừa tận tụy phục vụ cụ bà tuổi ngoài 90 neo đơn, sớm hôm đau yếu. Bất chấp những tiếng xì xào của một số người không hiểu chuyện, chị âm thầm thực hiện nghĩa cử cao đẹp chỉ vì muốn lòng mình thanh thản.

Duyên nợ với cụ già neo đơn
Phải hỏi thăm nhiều người, chúng tôi mới tìm được ngôi nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Kim Long (48 tuổi, thợ xay bột nghệ ở thôn Quý Hương, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vào buổi chiều muộn. Hỏi thăm đường vào nhà chị Long, nhiều người dân suýt xoa: "Sao ở trên đời lại có người tốt như thế chứ! Nhà thì cũng nghèo, nuôi mình với nuôi con còn khó khăn, vậy mà vẫn nhất nhất nhận nuôi một bà cụ già không nơi nương tựa. Nhiều người đến mẹ mình còn không nuôi được huống chi nuôi mẹ của người dưng!”. Và họ cũng kể nhiều với chúng tôi về người phụ nữ đặc biệt ấy.
Những năm trước, cụ Nguyễn Thị Thiệt (92 tuổi, người hàng xóm của chị Long) thường xuyên phải sống trong một túp lều rách nát! "Nắng thì còn đỡ chứ trời mưa là ướt hết. Cụ Thiệt thì chỉ có một thân một mình lại già cả bệnh tật nên chẳng biết trông nhờ vào ai. Có những lúc, cụ đau ốm nằm liệt mấy ngày trong căn chòi ẩm thấp ấy mà thấy tội. Cũng may có chị Long chứ nếu không chắc gì cụ Thiệt còn sống được đến ngày ni như rứa!". Chúng tôi được biết, cụ Thiệt cũng đã từng có chồng con, từng có một mái ấm hạnh phúc như bao người khác nhưng thật oái ăm khi tất cả đều mất sớm vì bạo bệnh, vì tai nạn để cụ một mình đơn độc, không người thân thích đã gần 20 năm. Không còn ai chăm sóc, hàng ngày để kiếm miếng ăn bỏ bụng, cụ phải chống gậy lang thang khắp đầu đường xó chợ lê lết xin ăn. Đến ngày mùa, cụ lại đi mót rau, mót lúa rồi nhờ người nấu nướng, xin chút mắm muối.
Đến năm 1997, sau quãng thời gian lăn lộn mưu sinh mà không được chăm sóc nên cụ mắc bệnh. Vì không có tiền chữa trị, cộng với tuổi già nên vết thương bị lở loét, mắt cụ trở nên mù lòa, lưng cụ ngày một cong lại, không thể đi xin, đi mót lúa được nữa. Những đêm mưa gió, căn lều rách nát bị dột ướt nhem không còn chỗ nào khô để ngả lưng. Lúc ấy, cụ chi biết khoác tấm áo mưa cũng rách nát ngồi co ro dưới hiên nhà hàng xóm mà run rẩy, rên rỉ. Nhiều lần như thế, thấy thương cho hoàn cảnh của bà cụ neo đơn bệnh tật, chị Long thường mang cơm nước, thuốc men sang cho cụ Thiệt. Làm một mình thì không xong vì nhà chị Long cũng chẳng mấy dư dả nên chị đã kêu gọi bà con xóm giềng chung tay góp sức, dựng cho cụ Thiệt một gian nhà tạm bợ, đủ chứa một chõng tre và chiếc bàn cũ kỹ và những vật dụng thiết yếu.
Thế nhưng, cụ Thiệt chẳng có tiền bạc, cũng chẳng làm được công việc gì vì tuổi cao sức yếu, đói và rét quanh năm suốt tháng. Thương cụ, chị Long lại đứng ra vận động bà con chòm xóm quyên góp mỗi người một ít gạo, một ít mắm muối để bà cụ có cơm ăn mỗi ngày. Thế rồi từ ngày đó, chị Long tự nhận phần lo cho cụ Thiệt việc ăn uống, tắm giặt. Một ngày đều đặn 3 bữa cơm nóng, đó là chưa kể việc lo trầu cau, nước chè và cả việc lau chùi, thay áo quần cho cụ. Chị Long vừa cười vừa chia sẻ về nghĩa cử đang thực hiện: "Nhiều khi mình bận công việc quá, chưa kịp mang qua thì cụ đã leo xuống giường quờ quạng tìm nước, chân tay run rẩy nên ngã xuống đất mà không gượng dậy nổi. Mình ở nhà bên cạnh nghe thấy tiếng cụ rên rỉ vội vàng chạy qua! Thấy cụ khóc lớn như đứa trẻ, mình thương quá cũng khóc lúc nào không biết. Sau lần ấy thì dù có làm công việc gì, bận rộn đến đâu, mình cũng phải đảo qua cụ trông chừng, nhỡ cụ có chuyện gì thì hối hận lắm!". Ngoài việc tự tay mình săn sóc, lo cho cụ ăn uống, chị Long cũng thường nhắc chồng và mấy đứa con qua trò chuyện với cụ những khi rảnh rỗi để cụ đỡ buồn.
Thời gian gần đây, sức khỏe cụ Thiệt thường xuyên không ổn định, vậy là hai vợ chồng chị Long lại nhờ y tá tại trạm y tế xã đến tiêm thuốc, theo dõi sức khỏe, cắt cử người trông nom cụ. Số tiền trợ cấp 180.000 đồng mỗi tháng trong chế độ người cao tuổi nhà nước dành cho cụ Thiệt trở nên ít ỏi biết bao nhiêu trong những lúc cụ trở bệnh. Chẳng so đo tính toán gì, chị Long vẫn cần mẫn chăm lo cho cụ với những bát cháo nóng hổi, miếng trầu cau tươi ngon, hay bình nước chè ấm nóng đầy đủ cho cụ dùng hằng ngày. Chị Long tâm sự: "Bụng dạ cụ Thiệt đã yếu, nên nhiều khi mua sữa về cho cụ uống nhưng cụ bị tiêu chảy đâm ra lại làm khổ cụ. Nhiều lúc nhà mình có những món đồ ăn ngon, mình muốn mang sang cho cụ cùng nhưng cái gì cũng phải cân nhắc, mình phải chạy đi hỏi y tá trong làng được mới dám mang sang!".
Một tấm lòng thơm thảo
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Long nằm khuất sau rặng tre xanh mướt của thôn Quý Hương. Cuộc sống của chị cũng chẳng khá giả, ngoài làm mấy sào ruộng, chị còn làm nghề xay bột nghệ để kiếm thêm thu nhập và nuôi mấy đứa con ăn học. Chị không phải người làng này, chị sinh ra và lớn lên ở xã Bình Quế nhưng lấy chồng và làm dâu ở xã Bình Quý đã 24 năm nay.
Cuộc sống vợ chồng vất vả nhưng lúc nào chị cũng là một người sống tình cảm với gia đình, và với bà con lối xóm. Ai có chuyện là chị cùng gia đình lại xắn tay áo làm giúp mà không nề hà công cận. Tâm sự về công việc của mình, chị Long nói chân tình: "Ba mẹ tôi mất sớm. Nhiều lúc tôi ao ước có được cha mẹ để phụng dưỡng, báo hiếu khi cha mẹ già yếu nhưng không được. Cha mẹ chồng lại không sống cùng vợ chồng tôi nên ngoài việc làm ruộng và ở nhà xay nghệ bán, có bao nhiêu thời gian, tôi dành chăm sóc cụ Thiệt. Ban đầu thấy tôi chăm sóc bà cụ nhiều người còn nói tôi rảnh chuyện, tự dưng chuốc cái khổ nhọc công vào thân. Nhưng thấy cụ không còn con cái gì, cuộc sống khốn khổ quá nên tôi chăm vậy, thôi thì cứ coi như chăm mẹ mình thôi. Mà có lẽ, kiếp trước chúng tôi có duyên nợ gì nên mới phát sinh tình cảm như thế! Cũng là một kiếp con người, mình làm được điều gì tốt đẹp thì gắng làm vậy thôi!" Những năm sau này, khi mọi người hiểu được tấm lòng cao đẹp của chị Long, ai nấy đều tỏ ra khâm phục.
Chiều muộn, những tia nắng vàng vọt cuối ngày chiếu những ánh sáng cuối cùng xuống ngôi làng nghèo khó, cụ Thiệt lại ngồi trước nhà nhìn ra phía đường chỉ để nghe những thanh âm cuộc sống. Có lẽ, cụ đang ngồi đong đếm lại những khoảng thời gian tươi đẹp trước kia của cuộc đời mình. Khi chúng tôi băn khoăn về việc đưa cụ vào viện dưỡng lão, chị Long ngậm ngùi chia sẻ: "Thực ra cũng có người nói với tôi chuyện đưa cụ đi. Nhưng các chú nghĩ xem đã gần 20 năm nuôi cụ rồi, giờ đưa cụ đi cũng tội lắm. Đã quen thế này rồi thì cứ để cụ ở đây, tôi lo được ngày nào hay ngày nấy chứ không đưa đi mô hết!". Khi tôi giơ máy chụp hình lên để ghi lại khoảnh khắc chăm sóc cụ Thiệt, chị vội chối từ, với lý do làm việc thiện để lòng thanh tịnh lại chứ không muốn được lên báo. Nghe chị nói như thế, chúng tôi lại càng cảm phục tấm lòng thơm thảo của người phụ nữ nghèo. Họ chỉ nghèo tiền nghèo bạc chứ đâu có nghèo nghĩa nghèo tình! Chúng tôi hiểu và mong rằng lòng tốt của con người hãy lóe sáng trong bất kỳ ai như những tia nắng cuối chiều kia, dù ít ỏi nhưng lại là món quà tặng vô giá, mang lại điều tốt đẹp cho cuộc đời.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Hội từ thiện xã Bình Quý cho biết: “Ở địa phương này cũng có nhiều hoàn cảnh éo le, neo đơn… nhưng gia đình chị Long đã làm được một nghĩa cử cao đẹp đến như thế cũng là trường hợp đặc biệt hiếm thấy. Thời gian qua, nhiều người biết chuyện thi thoảng cũng qua giúp chị, khi cân gạo, lúc thì tấm áo, manh quần. Nhưng chỉ với chừng ấy thì cũng chưa đủ giúp chị và cụ Thiệt vượt qua được nỗi gian nan. Về phía Hội từ thiện, chúng tôi cũng nhiều lần xuống tận nơi động viên. Nhưng hiện giờ thì ngoài việc vận động bà con, chính quyền địa phương, chúng tôi chưa giúp được gì hơn. Chỉ mong thời gian tới, chị Long và cụ Thiệt sẽ nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ từ những tấm lòng thơ thảo”
Lưu Minh / Gia đình & Xã hội
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩa cử hiếm thấy của người phụ nữ nghèo nuôi… mẹ người dưng