Khi các tổ chức bảo vệ người chuyển giới xuất hiện ngày một nhiều tại Trung Quốc, những người gánh trên vai sự nghiệt ngã của số phận đã dần tự tin hơn.

Người chuyển giới Trung Quốc bước ra từ bóng tối

Theo Zing | 20/06/2018, 01:33

Khi các tổ chức bảo vệ người chuyển giới xuất hiện ngày một nhiều tại Trung Quốc, những người gánh trên vai sự nghiệt ngã của số phận đã dần tự tin hơn.

Trong gần 30 năm, Lan mắc kẹt giữa hai danh phận: "chàng trai" trên giấy khai sinh và người phụ nữ bên trong tâm hồn. Ở một đất nước chưa sẵn sàng chấp nhận người chuyển giới như Trung Quốc, Lan và những người chịu hoàn cảnh tương tự phải thu mình trong lớp vỏ bọc.

Cô gái chuyển giới người Thượng Hải đề nghị giấu họ tên đầy đủ. Cô "lừa dối" gia đình và bạn bè với vẻ bề ngoài của một người đàn ông suốt nhiều năm trời. Cuối cùng, sau khi đã chịu đựng quá đủ, Lan quyết định phẫu thuật chuyển giới vào năm 2015.

"Tôi luôn bị giằng xé dữ dội bởi hai tiếng nói", người phụ nữ 31 tuổi chia sẻ. Cô trông nghiêm túc trong chiếc áo sơ mi xanh và tóc dài ngang vai màu nâu vàng. "Tôi từng rất cô đơn, bất lực và tuyệt vọng. Giờ thì tôi đang được sống trong mơ".

Dù phải che giấu con người thật trong thời gian dài, cộng đồng người chuyển giới ở Trung Quốc vẫn kiên trì đấu tranh. Số lượng các tổ chức hoạt động vì lợi ích của họ ngày càng tăng và những cuộc phẫu thuật thay đổi giới tính sinh học cũng được thực hiện ngày một nhiều.

Cách đây hai thập kỷ, bác sĩ Zhao Yede thực hiện khoảng 20-30 cuộc phẫu thuật chuyển giới mỗi năm. Giờ đây, con số này đã tăng gấp 10 lần, theo AFP.

"Điều rõ ràng là những người tìm đến tôi ngày một trẻ. Trước đây, chúng tôi thường thấy những người trong khoảng 26, 27 hoặc 30 tuổi. Giờ thì nhiều bạn trẻ chỉ vừa tròn đôi mươi", ông cho biết.

Nhiều cha mẹ muốn giết con vì là người chuyển giới

Vấn đề chuyển giới ở Trung Quốc từ lâu được xem là một nghịch lý.

Thời phong kiến, diễn viên nam thủ vai nữ trên sân khấu Kinh kịch, còn người dân thoải mái mặc trang phục của giới tính trái ngược ra đường. Ngày nay, một số người nổi tiếng công khai chuyển giới. Việc Trung Quốc không có tôn giáo chủ đạo phản đối giới tính thứ 3 cũng được cho là giúp giảm thiểu sự ngược đãi đối với cộng đồng LGBT.

Tuy nhiên, người chuyển giới Trung Quốc khẳng định họ vẫn bị hiểu lầm sâu sắc, bị người thân, bạn bè ngược đãi và bị xã hội phân biệt đối xử hàng ngày.

Một khảo sát trong năm 2017 của Trung tâm LGBT Bắc Kinh, tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ người đồng tính, song tính và chuyển giới, cho thấy 62% người chuyển giới tại Trung Quốc đang đấu tranh với bệnh trầm cảm, một nửa trong số đó từng cố gắng tự tử và 13% đã thành công.

Khảo sát năm 2017 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) kết luận "người chuyển giới đối mặt với sự kỳ thị nặng nề nhất" trong cộng đồng LGBT Trung Quốc, đặc biệt là tại gia đình, nhà trường và nơi làm việc.

Số người chuyển giới tại Trung Quốc chưa được thống kê cụ thể, nhưng con số này sẽ là hơn 8 triệu người nếu tính theo tỷ lệ của Mỹ là 0,6%.

Xiaomi băng qua một con phố tại Thượng Hải. Cô là một trong những người chuyển giới công khai hiếm hoi tại Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Người chuyển giới, đặc biệt là những thanh niên ít kinh nghiệm và dễ tổn thương, thường chịu đựng sự bạo hành về tinh thần và thể chất trong chính "tổ ấm" của mình, theo cô Zhuo Huichen, một phụ nữ chuyển giới 25 tuổi.

"Chính quyền thường xem những ngược đãi đó là vấn đề riêng của mỗi gia đình và không can thiệp", Zhou nói. Cô là người đồng sáng lập Trung tâm Người chuyển giới có trụ sở tại thành phố Quảng Châu. Đây là một trong những tổ chức phi chính phủ đầu tiên bảo vệ quyền lợi cho những người có giới tính sinh học và "giới tính tâm hồn" đối lập tại Trung Quốc.

"Một số trường hợp tìm đến chúng tôi trong tình trạng vô cùng tồi tệ. Các bậc phụ huynh thậm chí còn muốn giết con cái họ", Zhou nói. Xã hội Trung Quốc quan niệm con trai sẽ là người thừa kế và nối dõi. Người chuyển giới, đặc biệt là từ nam sang nữ, thường bị gia đình gây áp lực bởi truyền thống này.

Zhou trang điểm, nuôi tóc dài, đội mũ lưỡi trai in hình con mèo có dòng chữ "xinh đẹp", nhưng cô vẫn chưa nói với cha mẹ về việc đang thực hiện phẫu thuật chuyển giới.

Hành trình để được công nhận

Ngày càng có nhiều người đến trung tâm của Zhou để tìm kiếm sự giúp đỡ, và họ thường nhắc đến việc tự kết liễu bản thân.

"Một số bạn còn trong độ tuổi vị thành niên. Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng", Zhou nói.

Sau khi phẫu thuật, người chuyển giới Trung Quốc có thể đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân, nhưng họ vẫn gặp nhiều trở ngại khi muốn chỉnh sửa bằng cấp hay chứng chỉ học thuật, dẫn đến việc bị từ chối công việc hoặc không được đi học tiếp.

Tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người chuyển giới cao gấp 3 lần mức trung bình, theo số liệu từ Trung tâm LGBT Bắc Kinh. Bị cách ly khỏi sự phát triển của xã hội, nhiều người trong số họ chuyển sang ngành công nghiệp tình dục.

Người chuyển giới biểu diễn tại Lễ hội Tự hào Thượng Hải. Ảnh: AFP.

Một người chuyển giới nam (từ nữ thành nam) có biệt danh "Mr C" bị một công ty chăm sóc sức khỏe tại tây nam Trung Quốc đuổi việc vào năm 2015 vì vấn đề giới tính. Sau đó, Mr C đưa giám đốc công ty này ra tòa vì vi phạm quyền lợi hợp pháp của anh và thắng kiện.

"Tôi nghĩ luật pháp sẽ bảo vệ chúng tôi tốt hơn. Nhưng con đường chúng tôi theo đuổi còn dài lắm", anh nói.

Thời gian gần đây, cộng đồng người đồng tính và chuyển giới tại Trung Quốc bất bình vì nhiều sự kiện ủng hộ LGBT không được phép tổ chức. Tuy nhiên các nhà hoạt động vẫn nuôi hy vọng, cô Zhou cam kết "chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng".

Từ năm ngoái, chính phủ đã bắt đầu dùng cụm từ phẫu thuật "chuyển đổi giới tính" thay vì phẫu thuật "thay đổi bộ phận sinh dục" và không còn gọi việc mong muốn chuyển giới là một loại "bệnh".

Lễ hội Tự hào Thượng Hải (Shanghai Pride) tôn vinh cộng đồng LGBT đã được tổ chức lần thứ 10. Nhiều người tham dự sự kiện này không thích bị chụp ảnh. Họ dán sticker với dòng chữ "No Camera" lên người. Họ sợ bị đưa lên báo đài và bị gia đình phát hiện.

Tuy nhiên, lễ hội này vẫn diễn ra suôn sẻ mà không bị chính quyền can thiệp. "Tôi chưa từng nghĩ điều này có thể xảy ra", Lan nói. Cô vẫn may mắn hơn nhiều người.

Người biểu tình giơ khẩu ngữ ủng hộ cộng đồng LGBT tại Hong Kong Pride 2015. Ảnh: Dan Garrett.

Dù bị sốc khi "con trai" công khai giới tính, cha của Lan vẫn rất ủng hộ. Ông thậm chí đi cùng cô sang Thái Lan để thực hiện cuộc phẫu thuật trị giá 18.000 USD và ở cạnh cô suốt 5 tuần sau đó để lo cho con hồi phục.

Là một kế toán dày dặn kinh nghiệm, cô lo sợ giấy tờ còn ghi giới tính "nam" trong quá khứ của mình sẽ làm ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai.

Nhưng ông trời vẫn cho cô niềm hy vọng. Lan và người bạn thân trước đây chuẩn bị tiến đến hôn nhân và sẽ có con nhờ biện pháp mang thai hộ. Cha mẹ chồng tương lai không biết về quá khứ của cô, điều mà cặp đôi muốn giữ bí mật.

"Những người chuyển giới như chúng tôi đang dần khẳng định quyền lợi của mình, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhưng chúng tôi phải tiến bước từ từ, cẩn thận", cô nói.

Theo Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người chuyển giới Trung Quốc bước ra từ bóng tối