Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân ĐBSCL bán và tiêu dùng hàng Việt ngày càng nhiều. Chương trình này đã tạo được sức lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều người dân ủng hộ thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc của người dân Việt Nam.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang, đến này trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng 25 điểm và 31 chợ bán hàng Việt với số lượng hàng hóa lớn. Trong đó hàng Việt tập trung nhiều ở TP.Mỹ Tho, các trung tâm huyện, thị trấn. Các đơn vị bán hàng Việt đa dạng sản phẩm hàng hóa, đạt chất lượng cao thu hút đông đảo người tiêu dùng để chọn mua. Hàng Việt giờ đây đã thay thế dần các hàng ngoại nhập. Nhiều đơn vị cấp xã có 80-90% người dân thường xuyên dùng hàng Việt. Theo người dân, dùng hàng Việt giảm chi phí rất nhiều so với hàng ngoại nhập. Trong khi đó hàng Việt đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, hạn chế được hàng gian, hàng giả, nhái nhãn hiệu. Các chợ, cửa hàng bách hóa cũng chọn nguồn cung có uy tín, chất lượng để phục vụ cho khách hàng.
Bà Âu Kim Phượng, chủ cửa hàng bách hóa Long Sơn, tại cồn Thới Sơn, TP.Mỹ Tho cho biết, cửa hàng bày bán trên 100 mặt hàng Việt. Khách hàng mua hàng Việt ngày càng tăng so với trước đây. “Nói chung hàng Việt bây giờ chất lượng rất tốt, giá cả thì thấp hơn hàng ngoại nhiều, kể cả mặt hàng sữa cũng vậy. Cửa hàng Long Sơn có hơn 90% hàng Việt, đa số khách hàng chuộng hàng Việt hơn. Tôi nhập hàng có nguồn gốc, chọn những nhà cung cấp uy tín. Ở đây tôi ưu tiên hàng chất lượng hơn, có chương trình bốc thăm trúng thưởng. Cửa hàng có tích điểm, khách lại mua hàng thì có nhập điểm hàng ngày, giữa năm mình tích điểm, cuối năm tặng quà cho khách hàng”- bà Phượng chia sẻ.
Tại Sóc Trăng, hiện nay hàng Việt chiếm 70-90% các cửa hàng bán lẻ. Tại siêu thị tình hình cũng tương tự. Bà Châu Ngọc Quế, Một người ở TP.Sóc Trăng cho biết: “Hàng Việt bây giờ chất lượng tốt. dùng hàng Việt với những sản phẩm ổn định thương hiệu mình thấy tin tưởng hơn. Xài hàng của 'nước lạ' nhiều khi sợ chất lượng không đảm bảo”.
Thực tế hoạt động bán lẻ tại tỉnh Sóc Trăng cho thấy hàng Việt đã chiếm ưu thế. Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng hiện có trên 25.000 mặt hàng, trong đó hàng Việt chiếm trên 90%, đủ các chủng loại, thương hiệu. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà - Phụ trách Co.opmart Sóc Trăng cho biết, siêu thị ưu tiên chọn lọc các nhà cung cấp, doanh nghiệp (DN) trong nước với những mặt hàng Việt chất lượng để phục vụ người dân. Để kích cầu tiêu dùng hàng Việt, định kỳ 2 tuần/lần, siêu thị thực hiện chương trình cẩm nang mua sắm. Siêu thị đưa hơn 200 mặt hàng kèm theo chương trình khuyến mãi về nông thôn để người dân mua sắm. Vì vậy hàng Việt hiện nay đã chiếm ưu thế trên thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng Hứa Trường Sơn cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua được tỉnh triển khai thực hiện rất tốt. Hàng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, phiên chợ để giới thiệu, kết nối, đưa sản phẩm Việt Nam. Trong năm 2022, Sở Công Thương sẽ phối hợp tổ chức 6 phiên chợ đưa hàng Việt đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Việc thường xuyên đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn, giúp người dân tiếp cận hàng Việt, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với thị trường nội địa.
Tại An Giang, tỉnh quan tâm phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định, bền vững, ưu tiên hàng Việt Nam, hàng đặc sản địa phương. Tổ chức thành công sự kiện: “Sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng An Giang năm 2021” tại TP.Long Xuyên. Ngoài ra, ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh thành năm 2021 tại TP.Châu Đốc thu hút đông đảo người dân. Tại siêu thị Tứ Sơn đã tổ chức cụm gian hàng các sản phẩm OCOP của 4 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đang hỗ trợ DN xúc tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, khôi phục sản xuất kinh doanh. An Giang đã hỗ trợ đưa 50 sản phẩm OCOP của 35 DN lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn. Đồng thời, phối hợp các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, đơn vị vận chuyển giao nhận (Viettel Post) đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi. Triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn lương thực, thực phẩm. Tuyên truyền vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt bằng hình thức thương mại điện tử đang được An Giang đẩy mạnh để phát triển kinh tế, phục vụ người tiêu dùng tiện tích, an toàn hơn.