Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã không còn xa lạ với người dân miền Tây Nam Bộ. Từ thành thị đến nông thôn, nhiều người chọn mua hàng hóa rồi thanh toán trực tuyến vì những tiện ích mà nó mang lại.
Khoa học - công nghệ

Người dân miền Tây dần quen với việc thanh toán không tiền mặt

Trần Khải 12/04/2024 23:30

Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã không còn xa lạ với người dân miền Tây Nam Bộ. Từ thành thị đến nông thôn, nhiều người chọn mua hàng hóa rồi thanh toán trực tuyến vì những tiện ích mà nó mang lại.

Hơn 2 năm nay, gia đình chị Nguyễn Thúy Như (ngụ xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau) luôn chọn mua hàng qua mạng rồi chuyển khoản thanh toán trực tuyến. Theo chị Như, hình thức thanh toán này được các sàn thương mại điện tử và cửa hàng khuyến khích khách hàng sử dụng. Khi thanh toán trực tuyến, khách hàng sẽ được đơn vị bán hàng miễn phí vận chuyển hoặc tích lũy điểm số, giảm giá trực tiếp theo giá trị đơn hàng.

“Hầu như các mặt hàng tiêu dùng mình đều mua trên các sàn thương mại điện tử, được đổi trả thoải mái. Hiện nay, các cửa hàng trên nền tảng số đều chú trọng tính cạnh tranh nên hàng hóa của họ rất vừa ý, giá cả phải chăng. Mình mua hàng chưa bao giờ phải đổi trả”, chị Như nói.

1(1).jpg
Khách hàng thanh toán tiền điện trực tuyến - Ảnh: Trần Khải

Theo chị Như, thời buổi công nghệ số phát triển, ngay cả việc đi chợ mua thực phẩm cũng có thể thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Thậm chí, người bán còn tạo cả mã QR có số tài khoản cá nhân để giúp khách hàng thuận tiện trong việc trả tiền hàng.

Thời đại công nghệ số lên ngôi, những người làm nghề xe ôm công nghệ hay shipper đều có số tài khoản cá nhân. Khi khách có nhu cầu là họ cung cấp ngay, rất tiện.

Anh Lê Trung Tín, nhân viên giao hàng cho một đơn vị chuyển phát nhanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Mỗi ngày tôi giao cả trăm đơn hàng, đa phần khách đều chuyển khoản. Hình thức này tiết kiệm được thời gian cho cả đôi bên. Có khách dễ tính, yêu cầu tôi cứ để hàng ở cửa nhà rồi chuyển khoản thanh toán. Nhờ việc thanh toán trực tuyến nên tôi giảm được lượng đơn hàng mà khách không nhận”.

Anh Huỳnh Quốc Khang, ngụ TP.Cà Mau cho biết: “Đặc thù công việc của tôi đi lại nhiều nhưng lại thích mua hàng online. Có những gian hàng thương mại điện tử rất uy tín, mình chọn mặt hàng rồi thanh toán bằng tài khoản là họ giao đúng mẫu mã cho mình. Thanh toán qua tài khoản ngân hàng bây giờ không còn xa lạ với người dân miền Tây, hầu như bất kỳ ai cũng có một tài khoản ngân hàng. Giờ ăn uống cũng thanh toán trực tuyến luôn, rất nhanh gọn”.

3(2).jpg
Công việc giao hàng của shipper giờ cũng "nhàn" hơn xưa - Ảnh: Trần Khải

Theo chủ một quán ăn trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), Khánh Thuận là địa phương vùng sâu của huyện, điều kiện đi lại khó khăn. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, việc thanh toán tiêu dùng qua tài khoản ngân hàng được nhiều người lựa chọn. Bản thân người này cũng tạo tài khoản bằng mã QR để khi khách hàng có nhu cầu thì chỉ cần vài thao tác là thanh toán xong.

Ông Huỳnh Hồng Duy, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thuận thông tin: “Thời gian qua, xã Khánh Thuận rất quyết liệt trong công tác chuyển đổi số. Hiện nay, một số người dân đã dần bắt nhịp, hòa nhập với xu thế. Người dân địa phương đa phần đều sử dụng điện thoại thông minh nên việc giao dịch trên nền tảng số cũng trở nên thuận tiện.

Đối với việc thanh toán tiêu dùng không sử dụng tiền mặt, xã Khánh Thuận đã phối hợp với nhà mạng Viettel khuyến khích người dân thanh toán tiêu dùng qua app. Nhà mạng sẽ hỗ trợ người dân 5.000 đồng/lần thanh toán và không quá 5 lần/người/tháng. Ví dụ tôi ăn sáng 30.000 đồng, nếu thanh toán qua app của mạng Viettel sẽ được hoàn tiền 5.000 đồng. Tôi đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền trong dân và khuyến khích cán bộ xã sử dụng, bước đầu đã mang lại hiệu ứng rất tích cực”.

Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau hầu hết đều thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, internet… trực tuyến thông qua hệ thống ngân hàng.

Chị Nguyễn Thủy Như (ngụ xã Lý Văn Lâm) chia sẻ thêm: “Gia đình tôi sử dụng mạng của Viettel và lựa chọn gói cước thanh toán một lần/6 tháng, được nhà mạng khuyến mãi thêm một tháng sử dụng. Cách thanh toán này rất tiện lợi, đỡ mất thời gian như trước đây khi tháng nào cũng phải có nhân viên đến thu phí”.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân miền Tây dần quen với việc thanh toán không tiền mặt