Ari Emanuel, Giám đốc điều hành tập đoàn thể thao và giải trí Endeavour, gọi Sam Altman là “kẻ lừa đảo” và là người không thể tin cậy được với trí tuệ nhân tạo (AI). Ari Emanuel là một trong những người đàn ông quyền lực nhất làng giải trí Mỹ
Trong Lễ hội ý tưởng Aspen hôm 28.6, Tina Brown, Tổng biên tập sáng lập trang The Daily Beast, đã đề nghị nhà truyền thông chia sẻ suy nghĩ của mình về AI và những lời trấn an mà các nhà đổi mới như Sam Altman đưa ra về công nghệ này.
Ari Emanuel lần đầu tiên nghĩ đến Elon Musk, người mà ông gọi là “bạn” và nói rằng họ bất đồng về nhiều thứ nhưng không liên quan những rủi ro của AI.
Ari Emanuel nói về Elon Musk: “Nếu anh ấy lo lắng thì chúng ta cũng nên lo lắng. Tôi thực sự nghĩ rằng nên có những quy tắc hạn chế".
Với Sam Altman, Ari Emanuel thì tỏ ra không mấy thiện cảm.
"Về Sam Altman, tôi nghĩ cậu ta là một kẻ lừa đảo", Ari Emanuel nói. Ông chỉ trích cách OpenAI bắt đầu là một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng Sam Altman "đang kiếm được rất nhiều tiền".
OpenAI có một cấu trúc khác thường được gọi là công ty "có lợi nhuận giới hạn", trong đó chi nhánh vì lợi nhuận được điều hành bởi một tổ chức phi lợi nhuận. Sam Altman không trực tiếp nắm giữ cổ phần trong OpenAI.
Mục đích của cấu trúc này là để đảm bảo rằng OpenAI theo đuổi AI tổng quát (AGI) nhằm mang lại lợi ích cho nhân loại trước khi ưu tiên lợi nhuận. AGI là AI siêu thông minh, tiên tiến đến mức có thể làm được nhiều việc ngang bằng hoặc tốt hơn con người.
Những tháng gần đây, cam kết của OpenAI với sứ mệnh đó đã bị xem xét kỹ lưỡng.
“Tôi không biết tại sao lại phải tin tưởng cậu ấy. Tôi không biết tại sao chúng ta lại tin tưởng những người này", Ari Emanuel tuyên bố.
Người phát ngôn của OpenAI không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện này.
Hai ngày trước khi Emanuel phát biểu tại Lễ hội ý tưởng Aspen, Sam Altman và Giám đốc điều hành Airbnb - Brian Chesky đã có mặt tại cùng một sự kiện, nói rằng việc xây dựng AI có trách nhiệm sẽ đòi hỏi ý kiến đóng góp của xã hội.
Sam Altman cho hay: “Chúng ta cần học cách tạo ra công nghệ an toàn. Chúng ta cần tìm ra cách tạo ra những sản phẩm an toàn và điều đó bao gồm cả việc đối thoại liên tục với xã hội”.
Ari Emanuel nói rằng những người như Sam Altman có thể rất thông minh và không muốn cản trở sự đổi mới. Tuy nhiên, ông không tin tưởng rằng các nhà đổi mới công nghệ đã cân nhắc đúng đắn các lợi ích của AI so với những mặt trái.
“Tôi đã nghĩ về rất nhiều điều tồi tệ. Bạn đang nói với tôi rằng bạn tính toán xong, và cái tốt nhiều hơn cái xấu. Thật sao? Tôi không nghĩ vậy", Giám đốc điều hành Endeavour phát biểu.
Ari Emanuel cho rằng quy định của chính phủ Mỹ sẽ rất cần thiết khi AI tiếp tục phát triển.
Ông nói: “Tôi cũng không muốn kìm hãm sự đổi mới vì nghĩ chúng ta cần AI. Thế nhưng, chúng ta phải có những quy tắc xung quanh nó. Tôi biết nhiều người ở Thung lũng Silicon không thích sự can thiệp từ chính phủ Mỹ và có vẻ như chính phủ không hoạt động tốt trong lĩnh vực đó với các quy tắc hạn chế. Tuy nhiên, đây là một công nghệ khá năng động cần phải suy nghĩ thấu đáo về những gì có thể và không thể xảy ra được".
Cuối tháng 5 vừa qua, Helen Toner (cựu thành viên hội đồng quản trị của OpenAI) đã tiết lộ thông tin gây chấn động về nguyên nhân dẫn đến việc Sam Altman bị cách chức Giám đốc điều hành trong thời gian ngắn vào tháng 11.2023.
Trong podcast mang tên The TED AI Show hôm 28.5, Helen Toner đã tiết lộ thông tin về các sự kiện khiến bà và các thành viên khác trong hội đồng quản trị cũ của OpenAI sa thải Sam Altman vào ngày 17.11.2023. Trong những ngày sau đó, đa số nhân viên đã dọa sẽ nghỉ việc nếu Sam Altman không được phục chức. Kết quả là ngày 21.11.2023, Sam Altman trở lại làm Giám đốc điều hành OpenAI, còn Helen Toner cùng đa số thành viên bỏ phiếu sa thải ông phải rời khỏi hội đồng quản trị.
Helen Toner, Giám đốc chiến lược tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi tại Georgetown, nói Sam Altman đã "giấu thông tin" và "trình bày sai sự thật về những gì đang xảy ra trong công ty" nhiều năm.
Bà Helen Toner tiết lộ hội đồng quản trị OpenAI không biết về việc công ty ra mắt chatbot AI ChatGPT vào tháng 11.2022 cho đến khi mọi chuyện đã xảy ra và chỉ nắm được thông tin này khi xem trên Twitter (hiện gọi là X).
“Khi ChatGPT ra mắt vào tháng 11.2022, hội đồng quản trị không được thông báo trước về điều đó. Chúng tôi chỉ biết về ChatGPT khi đọc thông tin trên Twitter”, Helen Toner nói trong podcast.
Việc ra mắt ChatGPT diễn ra khá lặng lẽ: OpenAI chỉ gọi chatbot này là một mô hình AI có thể “tương tác theo cách trò chuyện”. Song trong những ngày và tuần tiếp theo, khả năng tạo ra văn bản giống như con người của ChatGPT đã khiến nó trở thành một hiện tượng và giúp mở đường cho sự bùng nổ hiện tại trong lĩnh vực AI.
Lý do hội đồng quản trị cũ sa thải Sam Altman từng là chủ đề gây thắc mắc trong Thung lũng Silicon. Tại thời điểm đó, hội đồng quản trị chỉ nói rằng Sam Altman đã “liên tục không thẳng thắn” khi tương tác với họ. Những tháng sau đó, các chi tiết mới được tiết lộ về sự căng thẳng giữa Sam Altman, hội đồng quản trị cũ và một số nhân viên.
Trong podcast, Helen Toner cũng nói rằng Sam Altman không tiết lộ việc ông sở hữu quỹ khởi nghiệp của OpenAI.
"Sam không thông báo cho hội đồng quản trị rằng ông sở hữu quỹ khởi nghiệp của OpenAI, dù ông luôn tuyên bố mình là một thành viên hội đồng quản trị độc lập không có lợi ích tài chính trong công ty này", bà nói.
Helen Toner còn chỉ trích sự lãnh đạo của Sam Altman về vấn đề an toàn.
“Trong nhiều lần, ông ta đã cung cấp cho chúng tôi thông tin không chính xác về các quy trình an toàn chính thức mà công ty đã có. Điều đó có nghĩa là hội đồng quản trị hầu như không thể biết được các quy trình an toàn này hoạt động tốt như thế nào hoặc cần thay đổi gì”, bà nhấn mạnh.
"Việc Sam Altman giữ bí mật về chuyện này thực sự làm tổn hại niềm tin của chúng tôi vào ông ấy và hội đồng quản trị thảo luận rất nghiêm túc về việc có cần sa thải ông hay không hồi tháng 10.2023", Helen Toner chia sẻ thêm.
Helen Toner nói rằng sau nhiều năm xảy ra những sự kiện như vậy, “cả bốn chúng tôi (4 thành viên hội đồng quản trị cũ) đều đi đến kết luận rằng không thể tin tưởng những gì Sam đang nói với chúng tôi”.
“Đó là tình huống hoàn toàn không thể chấp nhận được với một hội đồng quản trị”, nhà nghiên cứu người Úc 32 tuổi nhấn mạnh.
Theo Helen Toner, hội đồng quản trị có vai trò giám sát độc lập OpenAI chứ "không chỉ giúp CEO huy động thêm vốn".
Vào tháng 10.2023, hội đồng quản trị có một số cuộc trò chuyện với nhân sự ở OpenAI, trong đó hai giám đốc kể chi tiết về trải nghiệm với Sam Altman và họ đã dùng cụm từ "lạm dụng tâm lý", Helen Toner kể.
Bà cho biết hai giám đốc này đã nói với hội đồng quản trị OpenAI rằng "họ không nghĩ Sam là người phù hợp để dẫn dắt công ty đến AGI, nói họ không tin rằng ông ấy có thể hoặc sẽ thay đổi, không có lý do gì để đưa ra phản hồi, không có lý do gì để cố gắng giải quyết những vấn đề này".
Đến lúc hội đồng quản trị nhận ra cần thay thế Sam Altman, Helen Toner tuyên bố Giám đốc điều hành OpenAI sẽ "dùng mọi biện pháp" để ngăn điều đó nếu phát hiện ra". Helen Toner kể rằng Sam Altman "bắt đầu nói dối các thành viên khác trong hội đồng quản trị để cố gắng đẩy tôi ra ngoài".
Bà cho hay: "Chúng tôi đã rất cẩn thận, rất kỹ lưỡng về việc nói trước với ai, thực tế gần như không có ai, ngoài đội ngũ pháp lý của chúng tôi và đó là lý do mà chúng tôi đưa ra quyết định sa thải Sam vào ngày 17.11.2023".
Thế nhưng, Sam Altman chỉ mất chức vài ngày. Khi đa số nhân viên đe dọa nghỉ việc và Microsoft muốn tuyển dụng Sam Altman cùng đội ngũ của ông, hội đồng quản trị đã đưa doanh nhân người Mỹ sinh năm 1985 trở lại làm giám đốc điều hành chưa đầy 5 ngày sau đó.
Helen Toner đã rời hội đồng quản trị OpenAI gần hai tuần sau khi Sam Altman trở lại vai trò cũ.
OpenAI lập ra hội đồng quản trị mới gồm Bret Taylor (Chủ tịch hội đồng quản trị OpenAI, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp dịch vụ khách hàng Sierra AI, cựu lãnh đạo Google Maps và cựu Giám đốc công nghệ của Facebook), Larry Summers (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ) và Adam D'Angelo (Giám đốc điều hành Quora và ứng dụng tổng hợp mô hình AI Poe), còn Microsoft tham gia với tư cách là quan sát viên không bỏ phiếu. Adam D'Angelo là thành viên duy nhất còn lại trong hội đồng quản trị cũ của OpenAI và từng bỏ phiếu sa thải Sam Altman.
Thời điểm đó, hội đồng quản trị OpenAI bị chỉ trích vì không có nữ giới. Ngày 8.3, hội đồng quản trị mới của OpenAI có thêm Sam Altman và ba thành viên nữ là Nicole Seligman (cựu Phó chủ tịch điều hành và cố vấn pháp lý toàn cầu của Sony Corporation), Sue Desmond-Hellmann (cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Bill và Melinda Gates), Fidji Simo (Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Instacart).
Trong một tuyên bố cung cấp cho podcast The TED AI Show hôm 28.5, Bret Taylor nói: “Chúng tôi thất vọng vì bà Toner tiếp tục nhắc lại những vấn đề này”. Bret Taylor cho biết một cuộc rà soát độc lập về việc sa thải Sam Altman “kết luận rằng quyết định của hội đồng quản trị trước đó không dựa trên lo ngại về an toàn hoặc bảo mật sản phẩm, tốc độ phát triển, tài chính của OpenAI, hay các tuyên bố của công ty với nhà đầu tư, khách hàng hoặc đối tác kinh doanh”.
Bret Taylor cũng nói rằng “hơn 95% nhân viên” đã yêu cầu phục chức cho Sam Altman và công ty vẫn tập trung vào “sứ mệnh đảm bảo AGI mang lại lợi ích cho toàn nhân loại”.
Trong một bài viết trên tờ Economist, Helen Toner cùng Tasha McCauley (cựu giám đốc OpenAI) nói rằng công ty không có khả năng tự điều tiết và chính phủ nên can thiệp để đảm bảo rằng AI mạnh mẽ được phát triển một cách an toàn.
Ilya Sutskever, nhà đồng sáng lập và cựu Giám đốc khoa học OpenAI từng bỏ phiếu sa thải Sam Altman, đã rời công ty sau gần một thập kỷ làm việc, chỉ một ngày sau khi mô hình AI mới GPT-4o trình làng.
Jan Leike, lãnh đạo nhóm rủi ro về AI cùng Ilya Sutskever, cũng tuyên bố nghỉ việc và cho biết OpenAI không coi trọng vấn đề an toàn đủ nghiêm túc.