Huawei nổi lên như hãng chiến thắng lớn trên thị trường smartphone Trung Quốc trong đại lễ mua sắm 618 vừa kết thúc với mức tăng doanh số lớn nhất và giảm giá nhỏ nhất, theo dữ liệu mới từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.
Thế giới số

Doanh số smartphone Huawei đạt mức tăng trưởng lớn nhất trong sự kiện 618 nhưng Apple vẫn bán chạy hơn

Sơn Vân 26/06/2024 20:10

Huawei nổi lên như hãng chiến thắng lớn trên thị trường smartphone Trung Quốc trong đại lễ mua sắm 618 vừa kết thúc với mức tăng doanh số lớn nhất và giảm giá nhỏ nhất, theo dữ liệu mới từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research.

Theo Counterpoint Research, doanh số bán hàng của Huawei đã tăng 42,4% trong sự kiện 618 kéo dài một tháng bắt đầu từ ngày 20.5, do nhu cầu tiếp tục tăng mạnh với các smartphone mới nhất, gồm cả dòng Mate 60 và Pura 70 tích hợp chip được SMIC sản xuất ở Trung Quốc. SMIC là hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc.

Ngoài ra, Counterpoint Research còn cho biết Huawei đưa ra mức giảm giá nhỏ nhất so với các hãng smartphone lớn.

Apple đã có thể bảo vệ vị thế của mình trước Huawei bằng cách đưa ra mức giảm giá lớn nhất từ ​​trước đến nay cho iPhone tại Trung Quốc, giúp tăng doanh số bán hàng tại đại lễ 618 thêm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt ở phân khúc cao cấp. Theo số liệu của Counterpoint Research, Apple đứng thứ hai về số lượng điện thoại bán ra trong sự kiện 618, chỉ sau Vivo, nhưng đứng trước Honor, Xiaomi và Huawei.

doanh-so-smartphone-huawei-dat-muc-tang-truong-lon-nhat-trong-dai-le-618-nhung-apple-van-ban-chay-hon.jpg
Một người kiểm tra smartphone Mate 60 Pro tại cửa hàng hàng đầu của Huawei ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Reuters

618 là mùa mua sắm lớn nhất Trung Quốc sau Ngày độc thân (11.11). 618 là viết tắt của 18.6, được khởi xướng bởi gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com vào năm 2009 để kỷ niệm ngày thành lập công ty này.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc trì trệ, các nhà khai thác thương mại điện tử tìm cách thu hút nhiều người tiêu dùng hơn vào năm nay bằng cách hủy bỏ giai đoạn bán trước theo truyền thống và kéo dài thời gian khuyến mại đến ngày 20.6.

Tổng doanh số smartphone trong khoảng thời gian 32 ngày qua tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023, theo Counterpoint Research. Counterpoint Research cho biết hiệu suất bán hàng này cho thấy nhu cầu đang tăng lên, đồng thời dự đoán thị trường smartphone Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức một chữ số trong năm 2024.

Ước tính từ hãng TechInsights bi quan hơn. TechInsights báo cáo doanh số smartphone giảm 2% xuống còn 13,1 triệu chiếc trong đại lễ 618 và cho rằng thị trường smartphone Trung Quốc sẽ không thay đổi ở mức 62,3 tỉ nhân dân tệ (8,6 tỉ USD) trong năm nay.

TechInsights là công ty chuyên cung cấp thông tin và phân tích về thị trường bán dẫn và vi điện tử.

Nhà phân tích Peng Peng của TechInsights viết trong một báo cáo: “Tăng trưởng mua sắm trực tuyến chậm hơn và sự gia tăng nhanh chóng của thương mại điện tử phát trực tiếp (livestream) khiến các chiến dịch bán hàng truyền thống gắn liền các lễ hội mua sắm kém hấp dẫn hơn với người tiêu dùng. Những lo ngại ngày càng gia tăng về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, gồm cả thị trường bất động sản và việc làm, cũng đang kìm hãm chi tiêu của người dân”.

Theo TechInsights, trong khi Huawei chứng kiến ​​mức tăng trưởng lớn nhất về doanh số bán hàng thì Apple vẫn là vua về số lượng và giá trị bán hàng.

iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max của Apple không chỉ nổi lên là những mẫu smartphone phổ biến nhất trong tầm giá 6.000 nhân dân tệ (825 USD) mà còn ở tất cả phân khúc trên nền tảng thương mại điện tử JD.com. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự thống trị liên tục của Apple trên thị trường smartphone cao cấp ở Trung Quốc, Peng Peng viết.

Dữ liệu của TechInsights cho thấy Huawei đứng thứ ba về giá trị bán hàng, sau Xiaomi và đang phát triển như một thách thức lớn trên thị trường smartphone cao cấp.

Theo công ty nghiên cứu Analysys, các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đã chứng kiến ​​​​GMV tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong đại lễ 618, dù tỷ suất lợi nhuận có thể bị thu hẹp trong bối cảnh cuộc chiến giảm giá gay gắt.

GMV là tổng giá trị hàng hóa hay tổng giá trị giao dịch. Đây là một chỉ số quan trọng được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực thương mại điện tử để đo lường tổng giá trị hàng hóa được mua bán trên một nền tảng trong một khoảng thời gian nhất định.

Analysys, mức tăng trưởng GMV ước tính bao gồm doanh số bán hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc: Taobao và Tmall của Alibaba, JD.com, Pinduoduo, Douyin của ByteDance và nền tảng video ngắn Kuaishou.

Những cái tên mới trong lĩnh vực thương mại điện tử dường như có động lực lớn hơn Alibaba và JD.com, hai gã khổng lồ lâu đời ở thị trường Trung Quốc.

Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) dẫn đầu tất cả nền tảng với mức GMV tăng 26,2%, tiếp theo là 17,7% của Pinduoduo và 16,1% của Kuaishou. Theo hãng Analysys, Alibaba và JD.com chứng kiến ​​GMV tăng trưởng lần lượt 12% và 5,7%.

Phần lớn các công ty Trung Quốc đã ngừng công bố số liệu GMV của riêng họ cho các lễ hội mua sắm lớn, gồm cả sự kiện 618 năm nay. Tuy nhiên, con số của Analysys phù hợp với câu chuyện tăng trưởng từ những số liệu hạn chế mà các công ty công bố trong năm nay.

JD.com cho biết rằng khối lượng giao dịch và đơn đặt hàng trong sự kiện 618 đã phá vỡ kỷ lục nhưng không tiết lộ số liệu chính xác.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, GMV của Taobao và Tmall cũng đạt mức cao mới trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch 618 đến ngày 18.6.

Analysys cho biết trong báo cáo: “Khoảng cách giữa tăng trưởng trực tuyến và tổng tăng trưởng về doanh số bán lẻ ngày càng mở rộng, cho thấy động lực tiêu dùng trực tuyến mạnh hơn đáng kể so với tiêu dùng ngoại tuyến”.

Joyce Ju, Phó chủ tịch nghiên cứu về internet ở Đại Trung Hoa (Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan) tại hãng BofA Securities, nói: “Dù không có xu hướng giảm mức tiêu dùng rõ ràng trong năm nay, nhìn chung người dân có xu hướng chi tiêu hợp lý hơn”.

Joyce Ju lưu ý rằng một số danh mục, chẳng hạn như quần áo và đồ gia dụng, cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến yếu hơn, trong khi các phân khúc như giao đồ ăn trực tuyến có khả năng phục hồi tốt hơn.

Bất chấp sự tăng trưởng GMV, nhiều thương gia phàn nàn rằng lợi nhuận đang giảm do cuộc chiến giảm giá khốc liệt nổ ra khi các nền tảng cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng chú trọng đến giá cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Zuoliang, thương hiệu nội địa bán súp tổ yến trên JD.com, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng họ “buộc phải bán với mức giá thậm chí còn thấp hơn bình thường” trong sự kiện 618, tạo ra “tình thế tiến thoái lưỡng nan chưa từng có”.

Các thương hiệu khác cũng công khai phàn nàn về việc thua lỗ khi bán hàng hóa của họ, gồm cả quần áo và thiết bị gia dụng.

Theo Joyce Ju, các thương gia đã cố gắng áp dụng cách tiếp cận bán hàng hợp lý hơn trong sự kiện 618 năm nay, nhưng các nhà điều hành nền tảng đã trở nên tích cực hơn trong việc cung cấp cho người tiêu dùng các khoản trợ cấp và giảm giá bằng tiền mặt.

Joyce Ju cho biết: “Các nền tảng thương mại điện tử đang chú trọng hơn đến khả năng cạnh tranh về giá hơn bao giờ hết, nhằm bảo vệ và giành lại thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực này”.

Pinduoduo đã giới thiệu “hệ thống theo dõi giá tự động” để người bán nhanh chóng điều chỉnh giá trực tuyến trong sự kiện 618. Douyin cũng đang thử nghiệm một hệ thống định giá thông minh dành cho người bán, theo báo cáo gần đây của truyền thông Trung Quốc.

Trong sự kiện 618 năm 2024, tốc độ giao bưu kiện thương mại điện tử tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa tốc độ tăng trưởng của GMV, chủ yếu là do tỷ lệ trả hàng cao hơn và khả năng giảm giá trị trên mỗi đơn hàng, phản ánh hành vi của người tiêu dùng thận trọng hơn, theo một ghi chú nghiên cứu từ ngân hàng đầu tư HSBC.

Sherri He, Giám đốc điều hành công ty tư vấn quản lý tài sản Kearney China, nhận xét: “618 năm nay là lễ hội mua sắm khốc liệt nhất từ ​​trước đến nay. Các nền tảng thương mại điện tử đang chịu áp lực hiệu suất rất lớn trong bối cảnh mức tiêu thụ hàng hóa giảm sút”.

618 năm nay (sự kiện xa hoa trị giá 100 tỉ USD, lớn hơn gấp nhiều lần so với Black Friday thông thường) được theo dõi chặt chẽ hơn bao giờ hết. Từ gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cho đến những công ty mới nổi như Bilibili và Douyin của ByteDance, việc giảm giá mạnh mẽ và hoạt động tiếp thị chưa từng có đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải khơi dậy tăng trưởng.

Bài liên quan
Huawei định tính phí mua hàng trong ứng dụng sau khi Harmony OS lần đầu vượt iOS ở Trung Quốc
Huawei đang cân nhắc trích một phần phí từ các giao dịch mua hàng trong ứng dụng trên hệ điều hành di động Harmony OS, trang Bloomberg đưa tin. Điều này cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của Huawei trong việc cạnh tranh với Apple tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh số smartphone Huawei đạt mức tăng trưởng lớn nhất trong sự kiện 618 nhưng Apple vẫn bán chạy hơn