Baidu, Alibaba và Zhipu AI đang nhanh chóng thu hút người dùng sau khi OpenAI thắt chặt biện pháp để ngăn chặn truy cập dịch vụ AI tạo sinh của mình thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) từ "các quốc gia và vùng lãnh thổ không được hỗ trợ", gồm cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Thế giới số

Baidu và Alibaba thu hút các nhà phát triển Trung Quốc bị OpenAI chặn truy cập dịch vụ

Sơn Vân 26/06/2024 12:10

Baidu, Alibaba và Zhipu AI đang nhanh chóng thu hút người dùng sau khi OpenAI thắt chặt biện pháp để ngăn chặn truy cập dịch vụ AI tạo sinh của mình thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) từ "các quốc gia và vùng lãnh thổ không được hỗ trợ", gồm cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Động thái này có thể đào sâu thêm khoảng cách về AI giữa Mỹ với Trung Quốc. Hồi tháng 4, Joe Tsai (đồng sáng lập và Chủ tịch gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba) cho rằng các hãng công nghệ Trung Quốc đang đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua phát triển AI, khi tiếp tục phải vật lộn với những hạn chế xuất khẩu do chính quyền Biden áp đặt.

Dù OpenAI đã triển khai các dịch vụ AI của mình tại hơn 160 quốc gia nhưng các sản phẩm này vẫn chưa khả dụng ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Người dùng ở đó phải nhờ mạng riêng ảo (VPN) hoặc ứng dụng bên thứ ba để truy cập ChatGPT, chatbot AI đình đám của OpenAI, trong khi các nhà phát triển cần sử dụng các proxy và máy chủ outbound để vượt qua hạn chế.

Máy chủ outbound là máy chủ hoạt động như trung gian để kết nối mạng cục bộ (LAN) với internet. Nó hoạt động bằng cách chuyển tiếp lưu lượng truy cập internet từ các thiết bị trong mạng LAN, che giấu địa chỉ IP thực của chúng khỏi internet.

ChatGPT không có sẵn ở Trung Quốc nhưng nhiều công ty khởi nghiệp nước này đã có thể truy cập nền tảng API của OpenAI và sử dụng nó để xây dựng các ứng dụng riêng, Thời báo Chứng khoán Trung Quốc cho biết.

Kể từ cuối ngày 25.6, người dùng Trung Quốc đã nhận được email cảnh báo rằng họ đang ở "khu vực mà OpenAI hiện không hỗ trợ". Biện pháp bổ sung để OpenAI chặn lưu lượng truy cập API từ các khu vực không được hỗ trợ sẽ bắt đầu từ ngày 9.7.

Theo một số chuyên gia, biện pháp mới nhất của OpenAI có thể ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc đang phát triển dịch vụ AI riêng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn của “cha đẻ ChatGPT”.

Được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản để học cách hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên, mô hình ngôn ngữ lớn là nền tảng hỗ trợ cho ChatGPT cùng các chatbot AI khác.

Theo một chuyên gia giấu tên trong ngành chia sẻ với trang SCMP, động thái của OpenAI về cơ bản thể hiện việc Mỹ hạn chế hơn nữa việc người Trung Quốc truy cập vào công nghệ AI tiên tiến,

Người này cho biết một số công ty khởi nghiệp AI ở Trung Quốc đang xây dựng ứng dụng dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI, điều này cũng tạo ra doanh thu cho công ty khởi nghiệp Mỹ. Chuyên gia giấu tên nói thêm rằng nếu OpenAI thắt chặt quy định của mình, các nhà phát triển Trung Quốc sẽ phải chuyển sang lựa chọn thay thế trong nước.

Zhipu AI, một trong những công ty khởi nghiệp về AI hàng đầu Trung Quốc, cho biết sẽ giúp các nhà phát triển bị ảnh hưởng chuyển sang mô hình ngôn ngữ lớn của mình.

“Chúng tôi đang triển khai một kế hoạch di chuyển đặc biệt sang mô hình ngôn ngữ lớn cây nhà lá vườn. Mô hình GLM của chúng tôi hoàn toàn đạt chuẩn so với hệ sinh thái sản phẩm OpenAI. Với công nghệ hoàn toàn do Zhipu AI tự phát triển, chúng tôi đảm bảo tính bảo mật và khả năng kiểm soát”, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) tuyên bố hôm 25.6, kèm theo đặc quyền như 150 triệu token miễn phí, cũng như các khóa đào tạo phù hợp để hỗ trợ việc đó.

Token là đơn vị dữ liệu được mô hình ngôn ngữ lớn xử lý. Với mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Trung, 1 token thường tương đương với từ 1 đến 1,8 ký tự tiếng Trung.

Sau Zhipu AI, Baidu (công ty tìm kiếm internet và phát triển AI hàng đầu Trung Quốc), thông báo sẽ tung ra một "chương trình toàn diện" cung cấp cho người dùng mới khả năng di chuyển miễn phí sang mô hình ngôn ngữ lớn Ernie của mình.

Ngoài ra, Baidu sẽ cung cấp thêm token mô hình AI hàng đầu Ernie 3.5, phù hợp với quy mô sử dụng công nghệ OpenAI của các nhà phát triển.

Alibaba Cloud cũng tham gia, cung cấp token và dịch vụ di chuyển miễn phí cho người dùng API OpenAI qua nền tảng AI của mình. Theo Alibaba, mô hình AI Qwen-plus của công ty có giá thấp hơn đáng kể so với GPT-4 do OpenAI cung cấp.

baidu-va-alibaba-thu-hut-cac-nha-phat-trien-trung-quoc-bi-openai-chan-truy-cap-dich-vu.jpg
Baidu, Alibaba và Zhipu AI nhanh chóng thu hút người dùng Trung Quốc sau khi OpenAI nỗ lực ngăn chặn truy cập các dịch vụ AI tạo sinh của mình thông qua API từ "các quốc gia và vùng lãnh thổ không được hỗ trợ" - Ảnh: Internet

Sự phát triển nhanh chóng của AI đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Chính quyền Biden đang hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn tiên tiến và hạn chế đầu tư từ Mỹ vào lĩnh vực AI ở cường quốc châu Á.

Mỹ cũng được cho là đang lên kế hoạch ban hành các quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu các mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến.

Trước đây, OpenAI đã lưu ý đến việc nước ngoài lạm dụng các dịch vụ của mình.

Vào tháng 5, công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ) thông báo đã phá vỡ 5 “hoạt động gây ảnh hưởng bí mật”, gồm cả các mạng lưới ở Trung Quốc, Nga, Iran và Israel sử dụng các sản phẩm AI của mình để thao túng dư luận hoặc định hình kết quả chính trị trong khi che giấu danh tính thực sự.

Trong một động thái riêng biệt, OpenAI hồi tháng 12.2023 cho biết đã chặn ByteDance (chủ sở hữu TikTok) truy cập vào các dịch vụ của mình với lý do vi phạm chính sách. Công ty Trung Quốc sau đó cho biết một nhóm nhỏ kỹ sư của họ đã sử dụng dịch vụ API OpenAI trong một mô hình thử nghiệm không nhằm mục đích ra mắt công chúng.

OpenAI cung cấp một số công nghệ đằng sau Apple Intelligence, bộ tính năng AI được nhà sản xuất iPhone ra mắt hôm 11.6. Thế nhưng, OpenAI dự kiến ​​sẽ không hỗ trợ các tính năng AI mới của Apple tại Trung Quốc.

Apple đang tìm kiếm đối tác địa phương như Baidu (công ty tìm kiếm internet số 1 Trung Quốc) và Alibaba để cung cấp các dịch vụ tuân thủ các quy định AI khác nhau của Trung Quốc, gồm cả những quy định do Viện Tiêu chuẩn Điện tử Trung Quốc đưa ra năm ngoái để thực thi các tiêu chuẩn mô hình ngôn ngữ lớn quốc gia.

Đã giới thiệu hơn 200 mô hình ngôn ngữ lớn tự phát triển, các hãng công nghệ Trung Quốc vẫn đang chạy đua để bắt kịp các đối thủ toàn cầu về AI.

Một số ứng cử viên sáng giá của Trung Quốc là hãng công nghệ lớn Baidu, ByteDance, Alibaba cùng những công ty khởi nghiệp Zhipu AI, Baichuan, Minimax và Moonshot AI.

OpenAI trì hoãn triển khai chế độ giọng nói cho ChatGPT

OpenAI vừa cho biết sẽ trì hoãn việc phát hành tính năng Voice Mode (chế độ giọng nói) đến tháng 7 vì các vấn đề kỹ thuật.

Ban đầu, OpenAI dự định triển khai tính năng trò chuyện bằng giọng nói thực tế cho một nhóm nhỏ người dùng ChatGPT Plus vào cuối tháng 6, nhưng đang trì hoãn việc này vì cần thời gian để đạt được tiêu chuẩn ra mắt.

"Ví dụ, chúng tôi đang cải thiện khả năng phát hiện và từ chối một số nội dung nhất định của mô hình AI. Chúng tôi cũng đang nỗ lực cải thiện trải nghiệm người dùng và chuẩn bị cơ sở hạ tầng của mình để mở rộng quy mô lên hàng triệu trong khi vẫn duy trì phản hồi theo thời gian thực", OpenAI viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Công ty cho biết tính năng này ban đầu sẽ được phát hành cho một nhóm nhỏ người dùng để thu thập phản hồi và sẽ được cung cấp cho tất cả người dùng ChatGPT Plus vào mùa thu, tùy thuộc vào việc kiểm tra độ an toàn và độ tin cậy.

OpenAI cũng đang nỗ lực triển khai các khả năng chia sẻ màn hình và video mới.

Vào tháng 5, công ty có trụ sở ở thành phố San Francisco (Mỹ) giới thiệu mô hình AI đa phương thức GPT-4o có khả năng trò chuyện bằng giọng nói thực tế và tương tác qua văn bản lẫn hình ảnh. Đây là động thái mới nhất của OpenAI nhằm dẫn đầu trong cuộc đua thống trị công nghệ AI mới nổi.

Các khả năng âm thanh mới của GPT-4o sẽ cho phép người dùng nói chuyện với ChatGPT và nhận được phản hồi theo thời gian thực mà không bị chậm trễ, cũng như làm gián đoạn ChatGPT khi chatbot này đang nói. Đó là hai đặc điểm nổi bật của các cuộc trò chuyện thực tế mà trợ lý giọng nói AI trước đây gặp khó khăn.

GPT-4o giúp ChatGPT trở nên giống con người hơn và khiến các đối thủ phải lo lắng.

Bài liên quan
Thực hiện thỏa thuận hợp tác mang tính bước ngoặt, Apple phải trả tiền cho OpenAI hay ngược lại?
Khi công bố thỏa thuận mang tính bước ngoặt với OpenAI tại hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) hôm 11.6 để tích hợp ChatGPT vào iPhone, iPad và Mac, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook và các cấp phó hàng đầu của ông đã im lặng về các điều khoản tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
40 phút trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Baidu và Alibaba thu hút các nhà phát triển Trung Quốc bị OpenAI chặn truy cập dịch vụ