Báo New York Times mới đây đưa tin, một nghiên cứu cho kết quả rằng sự xuất hiện tình trạng mất khứu giác ở người già là dấu hiệu báo trước người đó sẽ qua đời trong vòng 5 năm tới.
Kết quả nghiên cứu nói trên được công bố ngày 1.10.2014 trên PLOS One, trong một báo cáo có đầu đề “Cơ quan khứu giác trục trặc báo trước cái chết không tránh được trong vòng 5 năm ở người lớn tuổi”.
Báo cáo cho biết, nghiên cứu này được tiến hành trong khuôn khổ Dự án Đời sống xã hội, sức khỏe và tuổi tác toàn dân (National Social Life, Health and Aging Project, NSHAP).
Các nhà nghiên cứu đã làm xét nghiệm đối với 3.005 người Mỹ ở cả 2 giới nam và nữ, có tính chất tiêu biểu cho cả nước ở độ tuổi từ 57-85, tiến hành đo thử năng lực phân biệt mùi của họ đối với 5 loại mùi: hoa hồng, da, cam, cá và bạc hà.
Các nhà khoa học đã xem xét rất nhiều nhân tố như tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội và kinh tế, có hút thuốc lá không, lượng rượu cồn uống hàng ngày, trình độ học vấn, các chỉ tiêu thể chất, chủng tộc, thói quen ăn uống, có mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, phù nề phổi, đột quỵ hay không.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người không thể ngửi thấy mùi của năm loại mùi nói trên có xác suất chết trong vòng 5 năm tới cao hơn gấp 3 lần những người có thể ngửi thấy được 5 loại mùi này. Người nào có năng lực phân biệt mùi càng kém (điểm số thấp) thì khả năng chết sớm càng cao.
Các nhà nghiên cứu tin rằng khứu giác suy giảm chứng tỏ các cơ quan khác trong cơ thể đã bị thoái hóa do tuổi tác, nhưng bản thân hiện tượng khứu giác sút kém không phải là nguyên nhân gây ra cái chết.
Bác sĩ Jayant M. Pinto, phó giáo sư khoa giải phẫu tại Đại học Chicago, tác giả chính của báo cáo nghiên cứu nói bạn chớ nên coi nhẹ chuyện mất khứu giác.
“Có những nguyên nhân mất khứu giác có thể điều trị khỏi,” ông nói, “vì vậy nếu ai có vấn đề thì nên có sự đánh giá lại. Đây là một chỉ tiêu tổng hợp về sức khỏe của bạn, vì thế nếu bạn gặp rắc rối gì thì bạn nên đi khám bác sĩ”.
PLOS One là một tạp chí mở do Thư viện Khoa học công cộng (Public Library of Science) xuất bản từ năm 2006 bằng tiếng Anh, là tạp chí khoa học lớn nhất (về số trang) và phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.
Tổng hợp từ Tia Sáng
Có thể bạn quan tâm: Người dân TP.HCM “giải cứu” một loài chim quý
Bùn đỏ bô-xit: phản biện hai luận điểm của TS Nguyễn Văn Lạng
TS Nguyễn Thành Sơn: Sạt lở đê hồ thải quặng bô xít Tân Rai cho thấy TKV rất chủ quan
TS Nguyễn Thành Sơn: Sạt lở đê hồ thải quặng bô xít Tân Rai cho thấy TKV rất chủ quan