“Người nông dân đang bị thua thiệt thật sự bởi doanh nghiệp, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương dường như đứng ngoài cuộc trong câu chuyện này...”
“Người nông dân đang bị thua thiệt thật sự bởi doanh nghiệp, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương dường như đứng ngoài cuộc trong câu chuyện này” – TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
TS Hồ nói thêm, Việt Nam phải giải quyết được vấn đề lợi ích cho người nông dân, bởi vì hiện nay, các Hiệp hội chưa phát huy được tác dụng trong giải quyết các vấn đề này. Đối với doanh nghiệp thì có đầu vào và đầu ra, lợi ích tối thượng của doanh nghiệp là "ăn lãi nhiều", thế nên họ ép được người nông dân bao nhiêu thì họ cứ ép, nông dân thiệt thòi mà không thể làm gì được. Từ bán giống, phân bón, chế biến… doanh nghiệp lúc nào cũng muốn được nhiều hơn.
“Trong lúc này, Nhà nước ở đâu? Hiệp hội ở đâu? VCCI ở đâu? Phải có cơ quan đứng ra để giải quyết, điều chỉnh chứ? Chuỗi giá trị đã bị phá rồi thì chúng ta phải thiết lập lại, đảm bảo được các lợi ích, vận hành trơn tru. Khi đó Nhà nước phải đứng ra để điều tiết lại giữa các bên chứ để tự mình họ thì sẽ không làm được” – TS Hồ thẳng thắn đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hữu Cường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: “Rất khó để một sớm một chiều mà “bốn nhà” ngồi lại với nhau, bởi vì lợi ích trong chuỗi của họ khác nhau. Lợi ích của doanh nghiệp khác với lợi ích chính trị của Nhà nước, khác với lợi ích của các nhà khoa học, khác với lợi ích của người nông dân…Điều này phải cần đến sự điều tiết từ phía cơ quan quản lý”.
Ông Cường cũng cho biết thêm, doanh nghiệp không thể khờ khạo, ở đâu có lợi ích thì họ sẽ tìm đến đầu tư. Nếu chỉ để ý đến việc kêu gọi doanh nghiệp nào đó đầu tư vào nông nghiệp thì đó là một việc sai lầm. Song song với, có thể nhìn vào hàng vạn nông dân để thúc đẩy họ từng bước mở rộng sản xuất, chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn để trở thành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc phát triển kinh doanh nông nghiệp cũng được đưa ra. Đó là khó khăn trong tiếp cận cơ sở hạ tầng vật chất và cả cơ sở hạ tầng thể chế. Nổi bật lên đó là nguồn vốn, hệ thống điện, giao thông, lao động… cho bà con nông dân.
Trên cơ sở đó, bàn về cách làm và hướng gỡ khó cho người nông dân, TS Lưu Bích Hồ chia sẻ, chuỗi giá trị xây dựng theo dạng liên kết ngang là chính, ít liên kết dọc, thế nên phải thiết lập hợp đồng thật chặt chẽ và quản lý thật tốt, phải có cơ chế giám sát nghiêm túc, không thể để người nông dân quá bị động và thiệt thòi như hiện nay.
“Một điều rất quan trọng là vấn đề nguồn nhân lực, phải hiện đại hóa nguồn lực này thì mới có thể tạo ra được sức cạnh tranh, có tiền đề đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp…Vai trò của nhân lực trong quản trị, người điều hành rất quan trọng, có họ mới tạo được các liên kết trong chuỗi giá trị” – TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Trí Lâm