Hôm 15.11, Grant Thornton Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam lần thứ 10 với mức phản hồi cực về nền kinh tế cao nhất trong vòng 2 năm qua, đạt tỉ lệ 43%. Đồng thời, các nhận định tiêu cực cũng giảm đáng kể chỉ còn 13%, cho thấy sự tự tin đang quay trở lại.
Có 46% các nhà đầu tư tư nhân cho rằng họ sẽ tăng phân bổ nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam trong khi 44% ý kiến khác sẽ giữ nguyên mức độ phân bổ đầu tư.
Tuy nhiên, tham nhũng tiếp tục được xem là rào cản quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam với 88% lượt chọn. Quan liêu/thủ tục hành chính của chính phủ trở thành mối quan ngại thứ hai, được chọn bởi 76% các nhà tham gia khảo sát.
Dù là lần đầu tiên được đưa vào khảo sát, ngành thực phẩm và nước uống (F&B) lại được chọn nhiều nhất trong số các lựa chọn cho lĩnh vực hấp dẫn đầu tư. Kết quả này khá nhất quán với quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu theo Nghiên cứu ngành F&B 2013 do Grant Thornton International thực hiện, trong đó nhận định rằng ngành F&B đang “khao khát phát triển”
Kết quả khảo sát lần này còn cho thấy sự gia tăng đáng kể sự tự tin của các nhà đầu tư vào ngành dịch vụ tài chính, từ vị trí thứ 7 trong cuộc khảo sát lần trước lên vị trí thứ 2. Cùng với ngành dịch vụ tài chính, các ngành giáo dục và bất động sản đều xếp ở vị trí thứ 2 với 28% lựa chọn cho mỗi ngành.
Một số lượng lớn các đối tượng tham gia khảo sát, 38% cho rằng chi phí đi vay sẽ ổn định trong năm tới. Đây là một dấu hiệu lạc quan cho sự hồi phục của nền kinh tế trong 12 tháng tới. Chỉ có 27% ý kiến cho rằng chi phí đi vay sẽ giảm nhẹ trong vòng 12 tháng tới, so với 77% trong cuộc khảo sát lần trước.
Ngoài ra, có một kết quả đáng lưu ý khác trong cuộc khảo sát này là mức độ hấp dẫn đầu tư ở Việt Nam được xếp hạng hấp dẫn với 36% ý kiến khảo sát, giảm so với 41% của lần khảo sát trước.
Phần lớn các nhà tham gia khảo sát (41%) xếp hạng Việt Nam là một quốc gia với mức độ hấp dẫn đầu tư bình thường so với các quốc gia khác trong khu vực, tăng 24% từ cuộc khảo sát lần trước.
Myanmar và Indonesia cùng nhận được 32% ý kiến đồng tình là điểm đến đầu tư hấp dẫn ngoài Việt Nam. Trong khi Indonesa đã giảm từ 48% trong cuộc khảo sát trước, trong khi bình chọn cho Myanmar đã tăng từ 23% theo kết quả khảo sát quý 2/2013.
Theo kết quả Khảo sát Triển vọng Kinh doanh Khu vực ASEAN, thực hiện bởi Amcharm Singapore, quốc gia hấp dẫn việc mở rộng kinh doanh nhất là Indonesia và tiếp theo sau là Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
“Với những thành quả đạt được trong năm 2013, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong khi vốn đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam qua các giao dịch mua bán và Sáp nhập, vấn đề cấp thiết là Việt Nam phải nắm bắt và tối đa hóa các cơ hội” – ông Ken Atkinson, Giám đốc Điều hành Grant Thornton Việt Nam, nhận định.
Những kết quả trong báo cáo được dựa trên cơ sở phân tích ý kiến của những người ra quyết định đầu tư trong lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam, từ đó chỉ ra quan điểm và triển vọng về lĩnh vực đầu tư tư nhân ở Việt Nam trong 12 tháng tới.
Thi Anh
Trích báo cáo của Grant Thornton Việt Nam