Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá ngành xây dựng đã có nhiều cách làm để phát triển nhà ở xã hội nhưng thời gian tới phải để người dân mua được nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội: “Xây được rồi nhưng phải để dân mua được”

Một Thế Giới | 16/01/2016, 09:00

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá ngành xây dựng đã có nhiều cách làm để phát triển nhà ở xã hội nhưng thời gian tới phải để người dân mua được nhà ở xã hội.

Sáng 15.1, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng năm 2015.
“Ấn tượng lớn” về cấu trúc lại thị trường bất động sản
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành xây dựng trong năm 2015 cũng là những kết quả thể hiện cho cả nhiệm kỳ 2011-2015 của ngành. Đó là hệ thống văn bản pháp lý về xây dựng, quản lý xây dựng, quy hoạch ngày càng được hoàn thiện và củng cố; tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng năm nay tăng 11,2%, cao nhất trong 5 năm qua.
Công tác quy hoạch xây dựng được Bộ Xây dựng và các địa phương quan tâm thực hiện hơn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Tỉ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch nông thôn đạt 92%. Hệ thống đô thị phát triển nhanh và quy mô đạt 35% vào cuối năm 2015, chất lượng hạ tầng đô thị ngày càng được cải thiện.
Trong năm 2015, Bộ Xây dựng tiếp tục kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền đưa ra giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, góp phần làm “ấm” lên thị trường bất động sản, góp phần phát triển các ngành sản xuất khác.
Đặc biệt, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao giải pháp cấu trúc lại thị trường bất động sản và cho rằng “đây là ấn tượng lớn” về thành quả của ngành nhằm hướng tới nhu cầu về nhà ở của số đông người dân. Cụ thể, chính sách về nhà ở khu vực nông thôn, vùng ngập lũ đã đạt được các con số ấn tượng. “Chính sách nhà ở khu vực nông thôn lúc bắt đầu chỉ xác định dưới 500.000 đối tượng, nhưng kết thúc giai đoạn 1 thì 530.000 hộ đã có nhà ở, vượt kế hoạch”, Phó thủ tướng nêu rõ.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 42.370 căn hộ; có 94 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 42.000 căn hộ xin điều chỉnh thành 56.500 căn hộ (tăng 14.500 căn hộ). Đối với nhà ở sinh viên, đến 31.12.2015, tổng số dự án bàn giao đưa vào sử dụng là 85/95 dự án, giải quyết chỗ ở cho khoảng 220.000 sinh viên, số lượng học sinh, sinh viên đã được bố trí vào ở đạt tỉ lệ bình quân khoảng 80%.
Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, đã có khoảng 780.000 căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng trên 3 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng tập trung tháo gỡ những bất cập trong quản lý xây dựng và chất lượng công trình gắn với phòng chống lãng phí. Theo Phó thủ tướng đánh giá: “Có dự án, công trình sau khi kiểm tra đã giảm hàng trăm tỉ đồng tiền đầu tư. 13.000 định mức kinh tế kỹ thuật tồn tại từ thời bao cấp đến nay gây lãng phí, phức tạp thì ngành đã khắc phục được 50%. Đó là yếu tố rất quan trọng trong quản lý và nếu sớm hoàn thành điều chỉnh các định mức này thì rất ý nghĩa đối với sự phát triển của ngành”.
“Những thành quả đáng ghi nhận của ngành xây dựng trong năm 2015 đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chung ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế của cả nước”, lãnh đạo Chính phủ đánh giá.
nha o xa hoi, Pho thu tuong, thi truong bat dong san, nha o, Bo Xay dung, goi 30.000 ti
Hội nghị tổng kết ngành xây dựng năm 2015. Ảnh: VGP/Thành Chung
Củng cố chính sách phát triển nhà ở xã hội
Cho rằng năm 2016 có ý nghĩa hết sức quan trọng khi là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế chủ yếu đến từ những biến động của kinh tế thế giới. Do đó, công tác điều hành phải “chủ động, biết lường trước tình hình” để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị ngành xây dựng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý Nhà nước về xây dựng. Đặc biệt, Phó thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng cần đóng vai trò quan trọng trong xây dựng dự án Luật Quy hoạch.
Ngành xây dựng tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và coi đây là việc hệ trọng. “Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, thậm chí 50 năm, 100 năm, tiếp tục rà soát các quy hoạch hiện có để nâng cao chất lượng. Trong đó bảo đảm thực hiện hiệu quả quy hoạch chi tiết”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Đi liền với đó, lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị ngành xây dựng bảo đảm quản lý hoạt động xây dựng đúng quy hoạch, đúng pháp luật, đúng các quy định về phân cấp quản lý xây dựng đi liền với thanh tra, xử lý các vi phạm về quy hoạch phải nghiêm minh.
Đối với nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, Phó thủ tướng cho rằng “Chúng ta đã xây dựng được nhà ở xã hội rồi nhưng làm thế nào phải để người dân mua được nhà thì còn là chuyện khó khăn”. Các nước trên thế giới đều có chính sách phát triển nhà ở xã hội nên Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành khác kiến nghị với Đảng, Nhà nước các chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho người dân có khả năng mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, “an cư lạc nghiệp”.
Trong hoạt động tái cơ cấu ngành xây dựng, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa xi măng Hạ Long, xi măng Sông Thao, tiếp tục xử lý các tồn tại về tài chính đối với các công ty như xi măng Đồng Bành... và tiếp tục thoái vốn ngoài ngành ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần quan tâm đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành.
Giải ngân 60% gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết trong năm 2015 và những năm qua, ngành xây dựng đã tập trung hoàn thiện và củng cố thể chế pháp lý của ngành như chủ trì và tham gia soạn thảo các dự án luật quan trọng như Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, dự án Luật Quy hoạch...
Ngành xây dựng thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Tính đến hết tháng 12.2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22 m2 sàn/người (tăng 1,1 m2 sàn/người so với năm 2014, tăng 4,5 m2 sàn/người so với năm 2010); năm 2015, cả nước phát triển thêm khoảng 1,0 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 2,8 triệu m2.
Thị trường bất động sản năm 2015 tiếp tục phục hồi tích cực, thể hiện qua các yếu tố: Giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý, hướng tới người thu nhập trung bình và thấp; tồn kho bất động sản liên tục giảm.
Tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở tiếp tục tăng mạnh, tính đến hết năm 2015 tổng số tiền đã cam kết là: 26.999 tỉ đồng (đạt 90%), đã giải ngân là 17.711 tỉ đồng (đạt 59%).
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội quy mô lớn, với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ dành cho người nghèo, người thu nhập thấp đô thị, đã khẳng định một hướng đi mới trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu XHCN, hướng tới con người, vì con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Tuy nhiên, ông Trịnh Đình Dũng cho biết chính sách phát triển nhà ở xã hội vẫn gặp khó khăn ở các điểm: Tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và mức độ sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp khi lợi nhuận từ nhà ở xã hội còn thấp.
Thành Chung - Toàn Thắng - Báo Chính phủ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
15 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà ở xã hội: “Xây được rồi nhưng phải để dân mua được”