Hãng AP cho biết nhà tắm công cộng - một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Morocco và là trải nghiệm du lịch thú vị khi đến với quốc gia Bắc Phi đã trở thành "nạn nhân" của biến đổi khí hậu.
Du lịch

Nhà tắm công cộng tại Morocco trở thành 'nạn nhân' của biến đổi khí hậu

Cẩm Bình 08/03/2024 16:58

Hãng AP cho biết nhà tắm công cộng - một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Morocco và là trải nghiệm du lịch thú vị khi đến với quốc gia Bắc Phi đã trở thành "nạn nhân" của biến đổi khí hậu.

Nhiều năm qua Fatima Mhattar đón tiếp rất nhiều du khách đến Hammam El Majd ở ngoại ô thủ đô Rabat. Chỉ cần bỏ ra chút tiền, họ đã có thể thư giãn trong làn hơi nước, sau đó cùng hàng xóm và bạn bè tắm rửa sạch sẽ.

“Hammam”, tiếng Ả Rập là “phòng tắm công cộng” – một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Morocco. Bên trong các căn phòng mái vòm, đàn ông và phụ nữ, không phân biệt tầng lớp xã hội, cùng nhau trò chuyện và thư giãn. Người tắm ngồi trên phiến đá dưới lớp gạch khảm, thoa xà phòng đen truyền thống rồi tắm bằng nước nóng từ xô nhựa.

phong00.jpg
Một nhà tắm công cộng truyền thống của Morocco - Ảnh: AP

Nhưng các nhà tắm này đã trở thành "nạn nhân" mới của biến đổi khí hậu. Morocco phải đối mặt với biến đổi khí hậu cùng hạn hán kéo dài suốt 6 năm. Năm nay, hàng loạt thành phố trên toàn quốc yêu cầu các nhà tắm công cộng đóng cửa 3 ngày mỗi tuần để tiết kiệm nước.

Dù mỉm cười đón khách, trong lòng Mhattar lại vô cùng lo lắng lệnh hạn chế khiến lượng khách hàng lẫn lương của cô bị sụt giảm.

“Chúng tôi mở cửa từ thứ Năm đến Chủ nhật, thế nhưng hầu hết khách lại chẳng đến vì sợ sẽ đông người”, theo Mhattar.

Lượng mưa ít ỏi cùng nhiệt độ cao hơn khiến các hồ chứa lớn vơi đi rất nhiều, dẫn đến quyết định buộc đơn vị kinh doanh nhà tắm công cộng và rửa xe hạn chế hoạt động. Quyết định hứng chịu chỉ trích gay gắt, không ít người dân lẫn chính trị gia kêu gọi hạn chế khách sạn, hồ bơi, spa cao cấp hoặc ngành nông nghiệp vốn tiêu thụ phần lớn lượng nước của Morocco. Tháng trước, hạ nghị sĩ Fatima Zahra Bata viết thư chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Abdelouafi Laftit: “Biện pháp này dường như không mang lại lợi ích lớn, đặc biệt vì nhà tắm công cộng không thuộc nhóm lĩnh vực kinh doanh tiêu thụ nhiều nước nhất”. Bà phản đối cho spa (thường được người giàu hoặc khách du lịch sử dụng) hưởng ngoại lệ, đồng thời nhân định giảm số giờ nhà tắm công cộng hoạt động là đòn giáng mạnh vào tầng lớp thu nhập thấp. Ông Laftit đến nay vẫn chưa đưa ra phản hồi.

Theo cơ quan thống kê quốc gia Morocco, quyết định buộc nhà tắm công cộng (chỉ tiêu thụ 2% lượng nước quốc gia) hạn chế hoạt động khiến khoảng 200.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Giá khí đốt tăng cộng thêm nhiệt độ giảm thời gian qua càng làm dấy lên lo ngại vì cư dân nhiều thị trấn trên dãy núi Atlas thường tìm đến nhà tắm công cộng để sưởi ấm.

Thợ mộc Mustapha Baradine sống tại Rabat thích cùng gia đình đến nhà tắm công cộng hàng tuần. Ông chẳng hiểu nổi lượng nước khiêm tốn mà mình sử dụng có thể gây nên hậu quả lớn gì: “Tôi và con chỉ dùng 2 thùng nước. Tôi không thích quyết định này chút nào. Sẽ tốt hơn nếu họ (quan chức địa phương) rút cạn nước hồ bơi của họ”.

Một số nước láng giềng tiết kiệm nước theo cách khác. Năm ngoái, toàn bộ người dân Tunisia khóa vòi nước vài giờ mỗi ngày. Tại Tây Ban Nha, vài địa phương cấm rửa xe, tưới vườn, làm đầy bể bơi trong mùa hè.

Chưa công bố số liệu cụ thể về số lao động bị sa thải hay doanh thu bị mất đi, nhưng người đứng đầu Hiệp hội Chủ sở hữu nhà tắm công cộng thành phố Casablanca Fatima Fedouachi khẳng định quyết định buộc hạn chế hoạt động gây thiệt hại về kinh tế.

Cũng theo bà Fedouachi, trong ngày đóng cửa đa số nhà tắm công cộng vẫn phải đốt củi giữ bồn tắm ấm chứ không để lạnh rồi làm ấm lại. Các nhà tắm chấp nhận phương án cắt nước vài giờ mỗi ngày thay vì đóng cửa 3 ngày mỗi tuần.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà tắm công cộng tại Morocco trở thành 'nạn nhân' của biến đổi khí hậu