Tọa đàm về "Nhà văn Trang Thế Hy - Người hiền của văn học Nam Bộ" do Hội Văn học nghệ thuật Bến Tre, Hội Nhà văn TP.HCM và nhà xuất bản Trẻ tổ chức sáng 12.11.2014 đã để lại dư âm trong lòng người yêu văn chương. Báo điện tử Một Thế Giới trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn, đạo diễn Lê Văn Duy đã phát biểu trong hội thảo...
Thời các nhà văn nhà thơ di cư hô hào cổ vũ văn nghệ hiện sinh, ồn ào giương cao biểu ngữ Bắc Tiến, thì có khá đông sinh viên Sài Gòn tìm đọc truyện các nhà văn họ thầm đoán là nhà văn Nam bộ kháng chiến , xuất hiện trong các tạp chí Nhân Loại, Bách Khoa, Ngày Mới, Vui Sống... Một trong những người tôi mến mộ ngày ấy là nhà văn Trang Thế Hy. Đến khi lên rừng miền Đông dự lớp viết văn, tôi mới quen thân anh Trang Thế Hy, biết anh là người có những bút danh khác như Văn Phụng Mỹ, Minh Phẩm, Triều Phong, Phạm Võ.
|
Nhà văn, Đạo diễn Lê Văn Duy phát biểu trong Hội thảo về "Nhà văn Trang Thế Hy - Người hiền của văn học Nam Bộ" |
Dạo ấy, rừng miền Đông còn rậm nhiều. Đi giữa khu rừng tối tăm rậm rịt ấy, ngẩng lên chợt thấy khu rừng bằng lăng thân cây trắng lốm đốm thẳng tắp, kiêu sa đứng tách biệt giữa cánh rừng đại ngàn. Đến mùa lá rụng thấy mênh mang trắng xóa vùng trời xanh ngắt. Rồi mùa sa mưa, mùa hoa rừng, khu rừng bằng lăng bỗng tím ngát xôn xao, cứ mường tượng đâu đây sắp về lại đồng bằng, tới biển xanh ngào ngạt.
|
Nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và anh Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ |
Vâng, nghĩ về anh Trang Thế Hy, không hiểu sao tôi bỗng nhớ cánh rừng bằng lăng đại ngàn thưở ấy. Do văn anh không ồn ào mà lẳng lặng sâu sắc, cách xa mà vẫn gần gũi, thủ thỉ tâm tình lời một trí thức miền quê Nam bộ, lời ngư ông, lão tiều thời thi hào Nguyễn Đình Chiểu. Cũng có lẽ do cách sống, cá tính anh điềm đạm nhu hòa, luôn bày tỏ sự yêu thương dịu ngọt với đàn em.
|
Nhà văn, nhà báo Ngô Thị Kim Cúc trong buổi tọa đàm |
Đọc lại truyện ngắn Anh Thơm râu rồng và Nợ nước mắt, tôi nghĩ vốn sống nông thôn đồng bằng sông Cửu Long của anh Trang Thế Hy khá phong phú. Vốn sống này bao gồm nhiều thời kỳ, kể cả giai đoạn kháng chiến chống Pháp, có thêm cái ách quân phiệt Nhật. Điều anh Trang Thế Hy tích lũy nhiều nhất là sinh hoạt, cá tính, cách sống cơ cực của tầng lớp nghèo. Cái vốn sống phong phú đó được đưa lên trang giấy rất sinh động nhờ kho từ ngữ dân gian khá dồi dào. Những Sông dài cá lội biệt tăm và Trồng hường bẻ lá che hường mà anh thích chọn làm đề từ cho truyện.
|
Nhà văn Mạc Can bên pa-no tọa đàm về Nhà văn Trang Thế Hy sáng 12.1.2014 |
Đã có lần tôi chuyển thể truyện Mưa ấm của anh thành kịch bản phim truyện bằng hình - Photo Ciné - Nguyễn Mộng Long đạo diễn. Lê Dũng ghi hình. Minh Trang đóng vai chính. Và tôi đồng ý với đạo diễn khi anh nhận xét: Phải có trí nhớ và đặc biệt yêu mến tuổi thơ bản thân mình, nhà văn Trang Thế Hy mới viết được những trang văn hay như vậy . Thật ra thì, đọc nhiều truyện của anh, tôi thấy tình yêu đối với thời thơ ấu của anh Trang Thế Hy không mấy gì vui tươi thoải mái. Vậy mà nhiều lần trao đổi về nghề văn cùng anh, biết anh là một dịch giả tiếng Pháp khá sành điệu , tôi thấy ngay cả với cây đại thụ Lev Tolstoi, anh cũng ít khi gọi là những danh tác đồ sộ như Chiến tranh & Hòa bình, Anna Karénine , Sống lại, mà thấy anh thường nhắc đến Thời thơ ấu & Thời niên thiếu, tác phẩm thời trẻ của đại văn hào. Trong tuổi già chắc thỉnh thoảng anh vẫn đọc nên mới nhớ kỹ như vậy.
|
Nhà thơ Trần Hữu Dũng, nhà văn Bích Ngân, Giáo sư Tiến sĩ mỹ học Huỳnh Như Phương, nhà văn Hoàng Đình Quang |
Chỉ riêng Thời thơ ấu thôi. Anh không thích Thời niên thiếu mà anh cho rằng mức độ thành đạt thấp hơn rất xa. Nhận xét này của anh trùng hợp với ý kiến nhà văn Pháp Marcel Aymé. Có thể nói rằng trong bất cứ nhân vật truyện ngắn nào, hễ anh giới thiệu thời thơ ấu của nhân vật đó, thì đoạn văn đó luôn có sức thuyết phục và lôi cuốn vì nó giống thật. Như là thời thơ ấu trong Đường bay ngắn của một vòng luân hồi và Vết thương thứ mười ba.
|
Giáo sư Tiến sĩ Mỹ học Huỳnh Như Phương phát biểu trong tọa đàm |
Tôi còn nhớ ngay từ năm 1977, truyện ngắn Nợ nước mắt của anh đã miêu tả thái độ bội bạc của một cán bộ có cỡ đối với một phụ nữ từng cưu mang anh ta tận nghĩa tận tình, thời chiến tranh ác liệt. Vậy mà dạo ấy, ít có ai dám đả động đến chuyện thoái hóa, mất phẩm chất của cán bộ cách mạng. Có thể nói anh Trang Thế Hy khá nhạy cảm về sự chuyển biến không tốt đẹp trong mối quan hệ giữa người với người!
|
Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu |
Còn trong truyện Sách và chim thì miêu tả một cán bộ huấn học về hưu phê phán người em họ viết văn rằng anh này viết truyện cũng tròn vo như cục đạn, để phản ảnh một thực tế không tròn - Ông anh truy nguyên một cách khá hài hước rằng, có lẽ người em nhà văn hồi nhỏ ham bắn chim, xiên ve đạn bằng đất sét nên bây giờ bị méo nghề khi cầm bút cũng viết tròn vo như khi vỏ đạn. Nhiều năm sau đó, xảy ra cuộc tranh luận khá sôi nổi về Văn học Minh họa, về cái Đẹp và cái phải Đạo, về cái nói được và chưa nói được thì anh Trang Thế Hy lại im tiếng, không tham gia bàn cãi. Anh chỉ nói những điều cần nói trong trang sách. Rồi khi tôi hỏi tại sao anh chưa có những sáng tác cập nhật, kịp thời , anh Trang Thế Hy mỉm cười: Cái gì mình chưa kịp yêu mến nó thì không nên giả bộ yêu mến nó .
|
Tiến sĩ Sử học Huỳnh Đức Thiện theo dõi tọa đàm một cách say mê |
Còn tình yêu mến có thật nối kết giữa anh và tôi - một nhà văn và một độc giả - dài ngót nghét nửa thế kỷ, dẫn từ Sài Gòn ra chiến khu Tây Ninh rồi trở về Sài Gòn -Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy mà khi tôi cử một đoàn phim tài liệu về Bến Tre phỏng vấn, ghi hình nhà văn Trang Thế Hy thì anh mỉm cười nhẹ nhàng từ chối: Nói với Lê Văn Duy rằng mình đã quy cư ở ẩn rồi! .
Bây giờ mỗi dịp đi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhất là vào giữa mùa gió lao rao, lá me rơi lắc rắc, tôi bỗng nhớ anh Trang Thế Hy, rất thèm được đến thăm khu cư xá nhà cũ của anh, thấy anh lui cui tự mình nấu nướng dọn bàn rượu đãi chỉ vài người khách quen - anh Trang Thế Hy là người kỹ tính trong việc chọn bạn và mời bạn đến nhà ăn uống.
Vâng, Có một thời căn bếp lửa nhà anh Trang Thế Hy đã là nơi sưởi ấm tâm hồn tôi. Cả những tháng năm giá lạnh ở rừng.
Bài & ảnh: Nhà văn, Đạo diễn Lê Văn Duy