Kỷ niệm 4 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Thanh Sơn, đông đảo các ca sĩ như Giao Linh, Phi Nhung, Ngọc Sơn, Phương Dung,... sẽ cùng nhau làm sống lại những sáng tác nổi tiếng một thời của ông trong đêm nhạc 'Gửi một niềm thương'.

Nhạc sĩ Thanh Sơn, 4 năm ngày mất 'Gửi một niềm thương'

04/04/2016, 14:25

Kỷ niệm 4 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Thanh Sơn, đông đảo các ca sĩ như Giao Linh, Phi Nhung, Ngọc Sơn, Phương Dung,... sẽ cùng nhau làm sống lại những sáng tác nổi tiếng một thời của ông trong đêm nhạc 'Gửi một niềm thương'.

Năm 2011 nhạc sĩ Thanh Sơn bị tai biến mạch máu não khi đang làm việc. Sau một thời gian điều trị, vì tuổi già sức yếu, ông qua đời lúc vào ngày 4.4.2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo ý nguyện của nhạc sĩ Thanh Sơn lúc sinh thời, gia đình đã đưa tiễn linh cữu của ông về an táng tại đường nghệ sĩ của Hoa viên nghĩa trang Bình Dương.

Hơn 500 sáng tác từ thập niên 1960 và đến tận bây giờ vẫn sống mãi trong lòng công chúng. Hầu hết các sáng tác của cố nhạc sĩ Thanh Sơn đều mang đượm phong vị miền Nam, chứa đựng trong đó đầy tình yêu với quê hương đất nước, với kỷ niệm học đường. Gia tài ca khúc của Thanh Sơn hơn 500 bài hát, đa phần là những ca khúc viết về quê hương, về con người miền Tây Nam bộ. Những tác phẩm của ông đã góp phần quan trọng cho nền âm nhạc Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 4 năm cố nhạc sĩ tài hoa Thanh Sơn rời ra "cõi tạm", VTV9 đã thực hiện một đêm nhạc với chủ đề Sol vàng: Gửi một niềm thương nhằm vinh danh và tri ân tới người nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam. Hàng loạt các sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn như: Nỗi buồn hoa phượng, Thị trấn mù sương, Áo mới Cà Mau, Nhật ký đời tôi... sẽ được tái hiện trọn vẹn, giàu cảm xúc qua những giọng ca gắn liền với tên tuổi của mỗi nhạc phẩm như: danh ca Phương Dung, Giao Linh, Ngọc Sơn, Phi Nhung và các ca sĩ khác như: Randy, Quang Thành, Thiên Ngân và Tuyết Nhung.


Nhạc sĩ Thanh Sơn chụp chung cùng danh ca Giao Linh trước khi ông mất không lâu.

Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật Lê Văn Thiện, ông là một nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc mang âm hưởng dân ca Nam bộ và nhạc bolero. Thanh Sơn sinh năm 1940 (có tài liệu ghi là năm 1938) tại Trà Vinh trong một gia đình nghèo, đông con nên tuổi thơ của ông rất cơ cực. Gia đình ông cũng hay di chuyển, không sống ở một nơi cố định khiến Thanh Sơn phải thường xuyên chuyển trường. Việc học của ông cũng không trọn vẹn mà dang dở, không tới nơi tới chốn khiến bản thân Thanh Sơn mang nhiều nuối tiếc. Ông vốn mê hát và có duyên học nhạc với nhạc sĩ Võ Đức Phấn, Lê Thương…

Năm 1955, Thanh Sơn rời miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn sinh sống, làm công việc chép và kẻ khung nhạc cho đến làm gia nhân với đồng lương 150 đồng/tháng để nuôi dưỡng ước mơ trở thành ca sĩ. Tại đây, ông gặp được nhạc sĩ Lam Phương – người mà Thanh Sơn xem như thần tượng của mình. Năm 1959, cơ hội cũng đến với ông khi đài phát thanh ra thông cáo tuyển lựa ca sĩ, Thanh Sơn ghi tên tham dự với bài hát Chiều tàn của Lam Phương và đoạt giải nhất. Đó là thành công đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông. Nhiều năm sau này, ông vẫn nhớ mãi giải thưởng vô cùng quý giá nhận được là một chiếc radio và cây đàn guitar.


Nhạc sĩ Thanh Sơn, nhạc sĩ của miền Tây sông nước, các sáng tác của ông chủ yếu gắn liền với những hình ảnh con người Nam bộ đôn hậu, hào sảng.

Từ đó, Thanh Sơn dấn thân vào nghiệp ca sĩ, khởi đầu đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Anh cũng hát, thu âm rất nhiều cho đài phát thanh. Lúc này, Thanh Sơn lại gắn bó với một người thầy là nhạc sĩ nổi tiếng – Hoàng Thi Thơ. Hoàng Thi Thơ khi ấy đang là trưởng Ðoàn Văn Nghệ Việt Nam nên đã dẫn dắt, tận tình giúp đỡ cậu học trò Thanh Sơn hết mình. Năm 1962 Thanh Sơn ra mắt bài hát đầu tiên với nhan đề Lưu bút ngày xanh được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Danh ca Phương Dung là người đầu tiên thu âm và thể hiện bài hát này trên sân khấu. Một năm sau đó, Thanh Sơn bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Riêng về bài hát học trò, tới nay anh đã viết có hơn 200 bài. Với Thanh Sơn, đó là thời gian rất đẹp. Ông viết về học trò như viết cho chính mình, viết để nuối tiếc thời thơ ấu, vì nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học. Nổi tiếng nhất trong đề tài áo trắng của ông là các ca khúc: Tình học sinh, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Thương ca mùa hạ và đình đám nhất phải kể đến Nỗi buồn hoa phượng.

Đêm nhạc với chủ đề Gửi một niềm thương là đêm nhạc tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa Thanh Sơn nhân kỷ niệm 4 năm ngày mất của ông do VTV9 thực hiện sẽ lên sóng vào lúc 20g ngày 9.4.2016.

Diệu Linh - Ảnh: GĐcc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhạc sĩ Thanh Sơn, 4 năm ngày mất 'Gửi một niềm thương'