Với việc cấy ghép thành công không phải toàn bộ trái tim, mà là một phần của trái tim - các tế bào cơ tim, các nhà khoa học Nhật Bản đã mở ra triển vọng cấy ghép cơ tim được phát triển trong phòng thí nghiệm cho nhiều người bị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mà không cần chờ đợi tim hiến tặng khan hiếm.
Theo The Japan Times, các nhà khoa học từ Đại học Osaka (Nhật Bản) lần đầu tiên thực hiện thành công một ca phẫu thuật để cấy ghép cho một bệnh nhân, không phải toàn bộ trái tim, mà là một phần của trái tim. Ca phẫu thuật này mở ra triển vọng cấy ghép cơ tim cho nhiều bệnh nhân mà không cần chờ đợi tim hiến tặng khan hiếm.
Các nhà khoa học đã đặt các tế bào của cơ tim phát triển trong phòng thí nghiệm trên một chất nền tự hấp thụ đặc biệt ở vị trí của tim bệnh nhân, nơi các mô bị tổn thương. Ban đầu, nhóm phát triển cơ tim để cấy ghép bằng các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSCs) đã được phát triển từ tế bào người trưởng thành, thường là từ da hoặc mô máu. Trước đó, các tế bào này đựợc lập trình lại ở một trạng thái tương tự như các tế bào phôi, từ đó mà các cơ quan nội tạng được hình thành sau này.
Sau khi tạo ra các tế bào cơ tim từ các tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSCs), các nhà khoa học đã thực hiện phẫu thuật ghép chúng cho bệnh nhân mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ (ischemic cardiomyopathy). Khi mắc căn bệnh này, do các sợi cơ không nhận được đủ lượng máu, nên tim bơm máu dần dần trở nên khó khăn. Hậu quả là về lâu dài, phải ghép tim.
Tuy nhiên, với bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ ( ischemic cardiomyopathy), không phải toàn bộ trái tim bị ảnh hưởng mà chỉ là một phần của cơ tim, do đó, ca phẫu thuật tương tự như ca mà nhóm bác sĩ Nhật Bản thực hiện có thể trở thành một phương pháp thay thế cho cấy ghép cả trái tim hoàn chỉnh trong tương lai. Các nhà khoa học hy vọng rằng các tế bào được cấy ghép sẽ sản sinh ra một loại protein giúp tái tạo các mạch máu. Điều này có thể giúp cải thiện chức năng tim bệnh nhân.
Sau khi bệnh nhân xuất viện, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi tình trạng của bệnh nhân trong suốt năm tới. Họ cũng lên kế hoạch thực hiện thêm 9 ca mổ tương tự trong 3 năm. Nếu mọi thứ suôn sẻ, một quy trình như vậy sẽ trở thành một giải pháp thay thế cho việc cấy ghép hoàn chỉnh. Và điều này rất quan trọng, bởi vì sự thiếu hụt liên tục các cơ quan hiến tạng nên mỗi năm đều có những người chết trong khi chờ đợi đến lượt được ghép tim. Phát triển iPSC dễ dàng hơn nhiều so với việc chọn người hiến, ngoài ra, xác suất thải loại thấp hơn do hệ miễn dịch của người được cấy ghép chấp nhận các tế bào cơ tim tốt hơn một trái tim mới.
Vũ Trung Hương