Nhật Bản phấn đấu để giữ ngôi vua hòa ngưu

Anh Đủ | 24/10/2018, 13:53

Hồi cuối tháng tám, một số khách hàng ở hàng thịt Sutcliffe Meats tại Sydney thất kinh khi họ nhìn thấy giá thịt bò steak có vân cẩm thạch thật đẹp ghi: 400 đô la Úc (283USD)/kg, gấp đôi giá thịt bò ngon nhất ở những hàng thịt khác.

Nhưng ông chủ hàng thịt Stephen Kelly biết tỏng thịt hòa ngưu Kagoshima – từ loại bò đen nuôi tận hạt Kagoshima bên Nhật Bản – có tri kỷ riêng. “Thịt ấy bán hết nhanh lắm,” Kelly nói. “Giờ này tụi tui đang tính ngả bò thêm.”

Được mệnh danh là thịt bò Rolls-Royce,” hòa ngưu đang ngày càng nổi tiếng. Các nhà sản xuất Nhật Bản thấy lượng hòa ngưu xuất khẩu tăng mạnh, đã đẩy giá lên đến mức gần kỷ lục.

Du khách nước ngoài đến Nhật Bản để tận hưởng cái mềm tan ngay trong miệng của loại thịt này. Chủ các nhà hàng, khách sạn và hàng thịt cao cấp đổ xô đến các vùng xa của xứ Phù Tang để bảo đảm nguồn cung.

Nhu cầu hòa ngưu trên thế giới bùng nổ sau một thời gian dài chẳng lấy gì làm mạnh. Hòa ngưu đơn giản là “thịt bò Nhật Bản”. Xuất khẩu sang Úc lần đầu tiên bắt đầu hồi tháng 5.2001, khi nhiều nước cấm nhập khẩu hòa ngưu sau khi phát hiện bệnh bò điên, được cho là có thể lây sang người.

Nhưng các tiêu chuẩn an toàn được cải thiện và nhiều đàm phán giữa Nhật Bản và các chính phủ nước ngoài đã có kết quả. Hòa ngưu bây giờ là ngôi sao đang lên trong định hướng xuất khẩu nông sản của Nhật Bản nhờ sự thúc đẩy của Thủ tướng Shinzo Abe, nhằm chống lại sự trì trệ ở thị trường tiêu thụ nội địa.

Hòa ngưu cũng là biểu tượng hoàn hảo của cái mà Nhật Bản vỗ ngực cho là sức mạnh lõi của họ: chất lượng cao.

Úc, một trong những nước sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới, là một thị trường không dễ gì xộc vào. Nhưng các quan chức Nhật Bản ngày càng lạc quan trong bối cảnh doanh số tăng lên ở Đài Loan, xứ bắt đầu cho phép nhập hòa ngưu trở lại cách đây hơn một năm. Đài Loan chiếm khoảng một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu thịt bò của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2018, tăng từ 37%, lên đến 10,8 tỷ yen (94,9 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

Một thị trường lớn vẫn còn đóng cửa là Trung Quốc, nơi mà nỗi thèm thịt bò đang “dậy thì”. Các quan chức Nhật Bản cho biết họ đang đàm phán với Trung Quốc để dở bỏ lệnh cấm. “Vấn đề chắc chắn đang nằm trên bàn,” một quan chức chính phủ có liên quan đến các cuộc đàm phán khẳng định.

Nếu tốc độ phát triển hòa ngưu hiện nay tiếp tục, xuất khẩu thịt bò của Nhật Bản trong năm nay sẽ vượt hơn 20 tỷ yen – gần gấp đôi con số năm 2015. Mục tiêu của Nhật là 25 tỷ yen vào năm 2020, góp phần chủ lực vào tham vọng lớn hơn của đất nước là đạt 1 ngàn tỷ yen về xuất khẩu nông, lâm, ngư sản và thực phẩm.

“Ban đầu, chúng tôi không tin đó là tăng trưởng bền vững,” một nhân viên bán hàng của một nhà xuất khẩu thịt nói. “Nhưng thị trường đang ổn định, với nhiều người chơi trưởng thành hơn đang vào sân.”

Nhưng đằng sau sự lạc quan mới có được là một thực tế khắc nghiệt: ngành chăn nuôi hòa ngưu của Nhật Bản đang bị khủng hoảng.

Nhà nông già nua, đàn gia súc suy thoái

Nari Muranaka là một nông dân có nhiều bằng khen và huy chương về chất lượng nuôi hòa ngưu nhưng bà cho biết sẵn sàng rút khỏi việc kinh doanh. Ảnh: TL

Suốt năm thập kỷ, Nari Muranaka nuôi những con bò cái hòa ngưu bên ngoài ngôi nhà của bà ở Shibushi, cách phi trường Kagoshima 90 phút đường xe. Lúc nông trại của bà ở đỉnh cao, bà nuôi gần 50 con bò cái trong những cái chuồng nhỏ dựng thủ công, nhưng bây giờ chỉ còn lại sáu con. Không ai muốn nối nghiệp bà, thế nên bà lão 80 tuổi Muranaka đang định bán toàn bộ đàn gia súc của bà trong vòng vài năm và đóng cửa nông trại.

“Tôi không nghĩ rằng thân già này có thể trụ được lâu hơn nữa,” bà nói, quay mặt về góc phòng trải thảm được trưng bày các danh hiệu và huy chương tôn vinh chất lượng các con bò cái của bà. Những thứ đó phản ánh những thập niên được chú trọng – làm ra một loại thực phẩm đặc biệt từ cỏ bằng thủ công, vệ sinh chuồng trại, và tỉ mẩn chọn nuôi những con bê nào và bán đi những con nào – điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng hòa ngưu của bà.

“Quý vị cần phải ở đó với chúng 365 ngày mỗi năm,” bà nói. “Đó là điều tôi đã làm cả đời. Nhưng giờ thì bản thân tôi không kham nổi nữa rồi.”

Khu vực nơi Muranaka sống, trên hòn đảo Kyushu ở phía nam, là một trong những khu chăn nuôi hòa ngưu lớn nhất Nhật Bản. Nhưng hơn một nửa nông dân trong vùng đã 70 hoặc hơn, và 80% trong số họ không có người nối nghiệp.

Sự suy thoái đàn hòa ngưu đã khiến giá bê tăng gấp mười lần từ năm 1965 đến năm 2016, lên đến 750.860 yen mỗi con. Mặc dầu giá hiện nay cho phép nhà nông dễ kiếm sống hơn, thế hệ trẻ hơn đã quay lưng với một đời sống đòi hỏi họ phải cắm mặt ở nông thôn.

Bê được nuôi trong vòng chín tháng và sau đó được bán đấu giá cho nông dân khắp đất nước. Đến lượt những nông dân này nuôi chúng trong chuồng trại 20 tháng nữa hoặc lâu hơn. Giá bê tăng đã làm cho đời sống các nông dân này ngày càng khó khăn.

Và trong khi xuất khẩu đang tăng trưởng, thị trường trong nước vẫn chiếm phần lớn doanh số của họ – và có rất ít chỗ dành cho mở rộng xuất khẩu tại Nhật Bản.

Là dân ăn cá, người Nhật Bản trong lịch sử dùng bò cái chủ yếu vào việc thồ hàng hóa. Nhưng rồi việc sản xuất những máy kéo và xe tải hiệu quả hơn vào những năm 1960 giúp đẩy nhanh tốc độ sản xuất lấy thịt.

Sau khi Nhật tự do hóa nhập khẩu thịt bò vào năm 1991, nông dân bắt đầu chú tâm đến sản phẩm cao cấp để sống sót trong cạnh tranh với thịt giá rẻ từ Mỹ và Úc.

Nhật Bản đã xác định bốn giống hòa ngưu và bắt đầu tìm kiếm các tảng thịt vân cẩm thạch hoàn hảo – tức là mỡ giữa bắp làm cho kết cấu của hòa ngưu mềm, tan trong miệng và là một thước đo quan trọng trong việc xác định giá cả.

Nhưng một ngành được thiết kế để bảo vệ chống lại cạnh tranh của nước ngoài có nghĩa là một ít tài nguyên phải hướng tới thúc đẩy xuất khẩu. Điều đó đang ám ảnh các nhà phân phối Nhật Bản hiện nay, khi nhiều hạt thiếu các cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.

Anthony Puharich, CEO của công ty thịt Vic’s Meat của Úc, cho biết ông không thể nhập khẩu thịt bò Matsuzaka trứ danh vì những hạn chế như thế.

“Từ khi tự do hóa nhập khẩu vào những năm 1990, là phải lo bảo vệ nông dân trong nước,” một quan chức chính phủ Nhật Bản thừa nhận. “Chưa bao giờ có một chiến lược xuất khẩu dài hạn.”

Nhưng trong khi ngành hòa ngưu vật lộn với một dân số lão hóa, những nhà chăn nuôi tại các nước khác bắt đầu đặt dấu ấn riêng của họ lên ngành kinh doanh này.

Trần Bích(Asia Nikkei Review)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản phấn đấu để giữ ngôi vua hòa ngưu