Ngày 24.12, Nội các Nhật Bản đã thông qua ngân sách quốc phòng hàng năm trị giá 41,7 tỉ USD trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc.
Khoản chi tiêu trị giá 41,8 tỉ USD cho các hoạt động quân sự bắt đầu từ tháng 4.2016 đã được các thành viên Nội các Nhật Bản chấp thuận. Tuy nhiên, quốc hội nước này vẫn tiếp tục thảo luận và sẽ sớm đưa ra kết luận cuối cùng cho kế hoạch chi tiêu 800 tỉ USD ngân sách quốc gia vào năm sau, trong đó có 41,8 tỉ USD cho quốc phòng.
Nếu được sự phê chuẩn của quốc hội, ngân sách quốc phòng trong năm 2016 của Nhật Bản sẽ tăng 1,5% so với hiện tại. Một quan chức nội các cho biết, Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trong 4 năm liên tiếp, kể từ 2016.
Theo Tokyo, ngân sách quốc phòng tăng nhằm bảo vệ chuỗi đảo phía nam, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh tiếp tục căng thẳng. Giới chức Nhật Bản xác nhận, một phần ngân sách quốc phòng sẽ được sử dụng để mua máy bay do thám đắt tiền của Mỹ và máy bay chiến đấu F-35.
Trong tháng 9.2015, chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy một dự luật an ninh gây tranh cãi, khi luật pháp lần đầu tiên cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài sau 70 năm. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định đây có thể là bước đi nhằm khẳng định vị thế của Nhật Bản trong khu vực và cho thấy lập trường cứng rắn của Thủ tướng Shinzo Abe.
Vào đầu năm 2015, Tokyo cũng thay đổi một số điểm trong chính sách hợp tác song phương với Mỹ, mở đường cho kế hoạch hợp tác nhiều hơn giữa hai bên.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xấu đi trong những năm gần đây, khi hai bên liên tục tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong năm 2012, căng thẳng gia tăng khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa một hòn đảo giàu tài nguyên trong khu vực tranh chấp.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ chủ quyền tại biển Hoa Đông, gây ra nhiều tranh cãi với các nước trong khu vực.
Hàn Giang (theo PressTV )