Bọn buôn người kiếm 1 tỉ USD trong năm 2015, khi những cuộc xung đột  buộc hàng triệu người phải chạy nạn sang các nước châu Âu.

Bọn buôn người kiếm 1 tỉ USD từ cuộc khủng hoảng tị nạn

Một Thế Giới | 23/12/2015, 14:38

Bọn buôn người kiếm 1 tỉ USD trong năm 2015, khi những cuộc xung đột  buộc hàng triệu người phải chạy nạn sang các nước châu Âu.

Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ngày 23.12, hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đã đến các nước EU trong  năm nay. Trong lúc di chuyển, đã có gần 3.700 người chết hoặc mất tích. 

Đa số các chuyến chạy ra nước ngoài của dân tị nạn do bọn buôn người tổ chức thực hiện. Theo IOM, bọn buôn người kiếm 1 tỉ USD trong năm 2015, và tổng cộng hơn 10 tỉ USD kể từ năm 2000.

Lãnh đạo IOM William Lacy Swing cho biết “mỗi chuyến đi có giá từ 2.000 - 6.000 USD. Giá cả tùy chúng ấn định và tùy số người trong gia đình tham gia chuyến đi”.

Theo thống kê của IOM, cho đến ngày 21.12, tổng cộng có 1.005.504 lượt người đến Hy Lạp, Bulgaria, Ý, Tây Ban Nha, Malta và Síp. Trong đó, phần đông (816.752 người) tới Hy Lạp.

Gần như toàn bộ người tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển Địa Trung Hải, hay biển Aegea. Trong đó, 50% là dân Syria chạy nạn chiến tranh; 20 % khác là người Afghanistan, 7% là người Iraq, theo báo cáo của IOM và Liên Hợp Quốc.

Ông Swing cho biết “lượng người tị nạn và di cư vào các nước phát triển tăng gấp 3 hoặc 4 lần so với năm 2014. Đồng thời, lượng người tử vong (trong các chuyến đi) tăng hơn rất nhiều so với năm ngoái”.

IOM cũng cho biết không thể dự đoán được tình hình tị nạn và di trú vào năm 2016.

“Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng. Trong đó có việc cuộc chiến tại Syria sẽ kết thúc như thế nào, hay chính sách biên giới mà châu Âu sẽ triển khai”, Joel Millman, phát ngôn viên của IOM nói.

“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mọi việc sẽ đến mức này. Chỉ hy vọng ít nhất nhân phẩm của những người tị nạn sẽ được tôn trọng”, ông Millman cho biết.

Lượng người tị nạn kỷ lục chạy tới châu Âu cho thấy một sự rạn nứt đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Tổng cộng có hơn 60 triệu người phải sống tị nạn hay bị mất nhà, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.

Theo IOM, cuộc chiến tại Syria chỉ là một trong nhiều lý do. Ngoài ra, còn có dịch bệnh Ebola và sự xuất hiện của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram tại vùng Tây Phi, động đất tại Nepal, chiến tranh tại Libya, Yemen, Nam Sudan, Trung Phi, Afghanistan và Iraq.

“Không ngạc nhiên khi có một lượng di cư lớn vào các nước đã phát triển. Chưa bao giờ trên thế giới, từ châu Phi cho tới dãy Himalaya, lại xảy ra nhiều tai họa lớn đến thế”, ông Swing nói.

 Antonio Guterres, trưởng ban tị nan của Liên Hợp Quốc, hôm 18.12 kêu gọi một kế hoạch tái định cư lớn dành cho người tị nạn tại châu Âu, trước khi hệ thống tị nạn của châu lục này bị sụp đổ.

 Tuấn Anh (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bọn buôn người kiếm 1 tỉ USD từ cuộc khủng hoảng tị nạn