Dự án của chính phủ Anh có sự tham gia của Nhật Bản nhằm thiết kế một lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao (HTGR).
Công nghệ HTGR là một lò phản ứng hạt nhân được thiết kể để sử dụng khí heli làm chất làm mát, có thể sản xuất ra dòng nhiệt cao hơn 700 độ C so với các lò phản ứng được làm mát bằng nước. Ngoài việc phát điện, nhiệt từ công nghệ HTGR còn được sử dụng để sản xuất khí hydro cho các pin nhiên liệu.
So với các lò phản ứng nước nhẹ hiện nay vốn sử dụng rất nhiều nước để trích xuất nhiệt, lò phản ứng HTGR chỉ có vài hạn chế về địa điểm xây dựng.
Nhiên liệu hạt nhân được phủ bằng vật liệu gốm chịu nhiệt cao khiến lõi khó bị nóng chảy. Về nguyên tắc, lò phản ứng HTGR không làm mát bằng nước, vì vậy khó có khả năng xảy ra cháy nổ phản ứng hydro.
Các ưu điểm này khiến công nghệ HTGR được xem là nguồn điện hạt nhân thế hệ mới. Mỹ, Anh, Ba Lan, Canada, Trung Quốc và Hàn Quốc đang dồn nỗ lực vào phát triển các lò phản ứng HTGR.
Chính phủ Anh đã chọn một nhóm nghiên cứu, trong đó có người của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) nhằm có được công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới từ những năm 2030.
Năm 2004, JAEA từng thành công trong việc phát nhiệt ở mức kỳ lục 950 độ C từ lò phản ứng thử nghiệm nhiệt độ cao (HTTR) ở thành phố Oarai, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản.
Nhóm nghiên cứu còn gồm người của Phòng thí nghiệm hạt nhân Anh, sẽ tiến hành các nghiên cứu sơ bộ về công nghệ HTGR và chi phí phát điện hạt nhân. Nguồn kinh phí nghiên cứu do chính phủ Anh cấp, khoảng 750.000 bảng Anh, theo báo Nhật Yomiuri Shimbun.
Năm 2021, chính phủ Anh lập dự án phát triển công nghệ HTGR qua 3 giai đoạn: nghiên cứu sơ bộ hoàn tất trong vòng 6 tháng, khâu thiết kế mẫu dự kiến hoàn tất vào năm 2025 và công tác xây dựng - đưa lò HTGR vào hoạt động sẽ từ đầu những năm 2030.
Ở giai đoạn đầu của dự án, chính phủ Anh quyết chọn 5 nhóm, trong đó có nhóm nghiên cứu Anh - Nhật. Việc tham gia xây dựng và giới thiệu sẽ tùy thuộc việc chính phủ Anh chọn mẫu thiết kế nào.