Tình trạng thiếu thông dịch viên tiếng Việt khiến công dân Việt Nam tại Nhật Bản khó tiếp cận đầy đủ dịch vụ công và dịch vụ tư cần thiết.

Nhật Bản thiếu trầm trọng thông dịch viên tiếng Việt

Cẩm Bình | 06/12/2020, 09:35

Tình trạng thiếu thông dịch viên tiếng Việt khiến công dân Việt Nam tại Nhật Bản khó tiếp cận đầy đủ dịch vụ công và dịch vụ tư cần thiết.

Phan Bích Chi, phiên dịch viên người Việt Nam của tổ chức Osaka International House, phải làm việc liên tục không có thời gian nghỉ ngơi. Có những ngày điện thoại của cô không ngừng reo.

“Kể từ mùa xuân năm nay chúng tôi trở nên bận rộn hơn. Tôi thỉnh thoảng phải trò chuyện qua điện thoại suốt 8 tiếng làm việc”, Bích Chi chia sẻ.

Tình trạng thiếu thông dịch viên tiếng Việt khiến công dân Việt Nam tại Nhật Bản khó tiếp cận đầy đủ dịch vụ công và dịch vụ tư cần thiết. Đây là hệ quả của việc số lượng người Việt tăng mạnh do chính quyền Tokyo cố gắng thu hút lao động nước ngoài bù đắp cho lượng lao động trong nước.

Osaka International House cung cấp thông dịch viên cho người nước ngoài hoặc giới thiệu họ đến các cơ quan nhà nước. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tổ chức nhận được ngày càng nhiều yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và việc làm từ công dân Việt Nam.

Trong tháng 7, Osaka International House tiếp nhận 799 yêu cầu - tăng gấp 3 lần so với tháng 2. Trong đó có 124 yêu cầu bằng tiếng Việt, nhiều thứ ba sau tiếng Trung và tiếng Anh. Cùng kỳ năm ngoái chỉ có 3 yêu cầu bằng tiếng Việt (khi tổ chức mở đường dây liên lạc qua điện thoại).

Đội ngũ thông dịch viên tiếng Việt dù được tăng cường vào tháng 9 nhưng vẫn không thể xử lý hết lượng công việc nếu số yêu cầu tiếp tục tăng.

japan.jpg
Osaka International House không thể đáp ứng nhu cầu cần thông dịch viên tiếng Việt quá nhiều - Ảnh: Nikkei Asian Review

Tuy nhiên, đó không phải trường hợp cá biệt. Trung tâm Thông tin đa ngôn ngữ Kanagawa (MIC) thường cử thông dịch viên tiếng nước ngoài đến các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Kanagawa làm việc. Vào tháng 3, trước lúc họ chuẩn bị ngừng dịch vụ này thì lại nhận đến 45 yêu cầu cần thông dịch viên tiếng Việt. Tổ chức xoay sở đáp ứng được 12 yêu cầu.

Một nhân viên MIC cho biết: “Số lượng thông dịch viên tiếng Việt có hạn. Đôi lúc chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài từ chối yêu cầu, ngay cả hiện giờ cũng vậy”.

Theo Bộ Tư pháp Nhật, tính đến cuối tháng 6 có hơn 420.000 người Việt cư trú tại Nhật - tăng 2% so với cuối năm ngoái và gấp 3-4 lần 5 năm trước đó. Họ chiếm 14,6% tổng số dân cư nước ngoài, tăng hơn 8% so với 5 năm trước, cao thứ ba sau người Trung Quốc và người Hàn Quốc.

Năm 2019, chính quyền Tokyo ban hành một loại thị thực mới cho “lao động có kỹ năng cụ thể” trong 14 lĩnh vực thiếu nhân lực trầm trọng như điều dưỡng, nông nghiệp, xây dựng… Từ đó hàng nghìn người Việt, người Indonesia cùng công dân nhiều quốc gia châu Á khác đến Nhật tìm kiếm cơ hội việc làm. Hiện dịch COVID-19 khiến lao động nước ngoài không thể về nước.

Số lượng thông dịch viên tiếng Việt ít do khan hiếm người Việt thế hệ thứ 2 hoặc thứ 3 thông thạo hai thứ tiếng. Nguồn tài chính công eo hẹp khiến giới chức nhiều địa phương ngại tuyển thông dịch viên thường trực.

Giáo sư Makiko Mizuno thuộc Đại học Kinjo Gakuin cho biết: “Chính quyền địa phương phụ thuộc vào lực lượng tình nguyện viên cung cấp bởi tổ chức liên kết hay tổ chức phi lợi nhuận”.

Người nước ngoài không khỏi lo lắng trước tình trạng thiếu thông dịch viên. Osaka International House thường nhận được yêu cầu tư vấn từ đối tượng ngại đến cơ quan quản lý nhập cư hoặc cơ quan cảnh sát vì tiếng Nhật kém, sợ giao tiếp không hiểu ý.

Giáo sư Minoru Naito thuộc Đại học Ngoại ngữ Tokyo lưu ý: “Thông dịch viên không chỉ cần khả năng ngôn ngữ mà còn phải biết thuật ngữ chuyên môn và ghi chú tốt. Tình nguyện viên thiếu các yếu tố nên có thể dịch sai. Để cung cấp dịch vụ thích hợp, chính quyền nên đảm bảo thông dịch viên chất lượng cao bằng cách thiết lập hệ thống trình độ quốc gia và tạo cơ chế thuê lao động với mức thù lao xứng đáng”.

Những quốc gia có đông người nhập cư khác thường xây dựng cơ chế loại bỏ rào cản ngôn ngữ và đưa ra hỗ trợ. Ví dụ như Úc có thông dịch viên nhiều ngôn ngữ khác nhau, làm việc cả ngày lẫn đêm giúp người nhập cư tiếp cận dịch vụ công. Họ còn cung cấp chương trình học tiếng Anh.

Giáo sư Mizuno nhấn mạnh cải thiện dịch vụ cho nhóm người sử dụng ngôn ngữ thiểu số sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng cô lập xã hội, hồi sinh các cộng đồng địa phương.

Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản thiếu trầm trọng thông dịch viên tiếng Việt